Các đề án khuyến công đã phát huy tốt hiệu quả |
Theo đại diện Sở Công Thương Thái Nguyên, với mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, Thái Nguyên đã và đang khuyến khích doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp (CNNT)công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất. Thực hiện định hướng trên, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (trung tâm) tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm đẩy nhanh quá trình nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường...
Theo đó, năm 2017, trung tâm đã thực hiện 4 đề án khuyến công quốc gia đợt 1 với tổng kinh phí 970 triệu đồng và 18 đề án khuyến công địa phương đợt 1, tổng kinh phí trên 2,62 tỷ đồng. Trung tâm cũng đã ưu tiên thực hiện các đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá chung, các đề án đã phát huy tốt hiệu quả, không chỉ tạo sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn tạo sự thay đổi đáng kể diện mạo ngành CNNT của tỉnh. Điển hình như: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật dây chuyền chế biến chè và bảo quản chè bằng máy hút chân không tại Công ty Cổ phần Vạn Tài, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên; Mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến sâu xỉ Titan tại Công ty TNHH Xây dựng & Phát triển nông thôn miền núi; chuyển giao ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào sản xuất phụ tùng máy công, nông nghiệp tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đoàn Thế Vỹ…
Cùng với việc hỗ trợ trực tiếp, khuyến công Thái Nguyên cũng rất chú trọng công tác quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp (CCN) nhằm tạo thêm mặt bằng sản xuất cho các cơ sở CNNT. Trung tâm được giao nhiệm vụ giúp Sở Công Thương và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh; quản lý hoạt động và tổ chức các dịch vụ công bảo đảm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Trung tâm cũng được giao làm chủ đầu tư hạ tầng CCN Sơn Cẩm 2, hiện đã hoàn thành lập Quy hoạch chi tiết và đang thực hiện các bước tiếp theo trong đầu tư xây dựng hạ tầng.
Cũng theo đại diện Sở Công Thương Thái Nguyên, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công, đồng thời tiếp sức cho ngành CNNT phát triển, Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh xây dựng và áp dụng khung định mức chi hỗ trợ đối với một số hoạt động khuyến công một cách cụ thể hơn nữa; đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đặc biệt là những ngành công nghiệp trọng điểm; đẩy mạnh thực hiện các đề án hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu và nhận chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến như: Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu…; tăng cường hỗ trợ các đơn vị phát triển sản xuất và phát triển sản phẩm mới; đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, tuyển dụng nguồn cán bộ thực hiện công tác khuyến công có chất lượng đáp ứng nhu cầu công việc.
Bên cạnh việc hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển sản phẩm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên còn hỗ trợ tạo mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp CNNT. |