Khuyến công Đồng Tháp: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Khuyến công Đồng Tháp hỗ trợ công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh |
Trong những năm qua, Chương trình khuyến công Đồng Tháp ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao nâng suất chất lượng sản phẩm.
Nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công đã giúp cho Công ty thủy sản Mỹ Sa nâng cao năng lực, phát triển sản xuất và tăng sức cạnh tranh trên thị trường |
Theo đó, các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí địa phương đã và đang phát huy hiệu quả, kịp thời. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tỉnh Đồng Tháp cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Đặc biệt, các đề án này đã khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên bản địa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tiếp cận các cơ hội phát triển, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước và thị trường xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê từ Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, trong giai đoạn 2016-2021, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương đã hỗ trợ thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến cho gần 130 doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn. Tổng nguồn vốn khuyến công Đồng Tháp giai đoạn này khoảng 131 tỷ đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ một số ngành nghề, lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến rau quả, nông sản, sản xuất các sản phẩm sau gạo, chế biến thực phẩm…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Tào Tấn Tài - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp - cho biết: Thực Chương trình khuyến công quốc gia giai và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trung tâm đã chủ động, rà soát, xây dựng các đề án nhóm thuộc chương trình khuyến công địa phương theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Cụ thể, thực hiện chương trình khuyến công năm 2022, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tiếp nhận đơn đăng ký hỗ trợ từ 51 cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trung tâm tổ chức đoàn đến khảo sát tại các cơ sở đăng ký để tư vấn, hướng dẫn nhu cầu đầu tư máy móc thiết bị phù hợp với quy trình sản xuất và hoàn chỉnh dự án đăng ký, làm cơ sở để trình Hội đồng thẩm định đề án khuyến công địa phương xem xét qua 3 đợt. Đến nay, Trung tâm đã xét duyệt 8 đề án, hỗ trợ cho 15 cơ sở, với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng. Qua đó, Trung tâm đã tổ chức nghiệm thu đề án tại 3 cơ sở…
Theo ghi nhận, các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến sau khi triển khai thực hiện đã và đang phát huy hiệu quả, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đơn cử như Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Huỳnh Thi (TP. Sa Đéc – tỉnh Đồng Tháp) được hỗ trợ 300 triệu đồng từ chương trình khuyến công địa phương mua Máy cắt fiber laser CNC phục vụ sản xuất. Qua đó, đã giúp công ty nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm (dây chuyền sản xuất lúa gạo, khung nhà tiền chế, thép tấm, thép hình… Việc ứng dụng thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất đã giúp sản phẩm đạt chất lượng cao, năng suất tăng lên gấp nhiều lần nên số lượng đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh tăng mạnh.
Tương tự, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, sau khi đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến đã giúp Công ty TNHH MTV thủy sản Mỹ Sa (TP. Sa Đéc) nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước.
Nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công đã giúp cho Công ty TNHH Thiên Long CRAFTS nâng cao chất lương sản phẩm, tăng năng suất 50%. |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chị Nguyễn Thị Thơ - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Long CRAFTS (huyện Đồng Tháp Mười – tỉnh Đồng Tháp) - doanh nghiệp thụ hưởng từ nguồn kính phí khuyến công đánh giá cao các chương trình khuyến công của ngành Công Thương Đồng Tháp đối với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
“Nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công đã giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mua sắm những thiết bị máy móc tiên tiến. Qua đó giúp rút ngắn thời gian sản xuất, giảm chí phí nhân công, tăng năng suất 50%. Đặc biệt nâng cao chất lương sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tạo đầu ra ổn định và giá trị tăng thêm”- chị Nguyễn Thị Thơ chia sẻ.
Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ tiềm lực của ngành công nghiệp khu vực nông thôn, đưa ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các chương trình khuyến công, nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đầu tư máy móc, thiết bị mở rộng sản xuất, nâng cao nâng suất chất lượng sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Theo đó, ưu tiên đối với những đề án đổi mới và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng… trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng, tài nguyên bản địa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Có thế thấy, với đòn bẩy từ Chương trình khuyến công quốc gia và địa phương đã và đang giúp các, cơ sở công nghiệp nông thôn chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạch tranh… tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.