Nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tại khu vực miền Trung |
Hội thảo lần này đại diện Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Ông Ngô Đức Minh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế đồng chủ trì hội nghị.
Tại ngày làm việc thứ nhất của Hội thảo “Góp ý dự thảo luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh miền Trung", các phòng ban chuyên môn Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo giới thiệu về chức năng nhiệm vụ của Cục và trình bày về chuyên đề Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; chuyên đề Phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Ngoài ra, trong phiên thảo luận đã có nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia nhằm góp ý, bổ sung và yêu cầu giải thích những vấn đề chưa rõ trong nội dung Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Hội thảo “Góp ý dự thảo luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh miền Trung" |
Theo đó, đối với vấn đề Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, trong chương trình dự thảo còn một số tồn tại và giải pháp. Cụ thể, đối với vấn đề Sửa đổi Luật Quy hoạch, một trong các nội dung cần lưu ý là: Nghiên cứu, bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch với quy trình rút gọn, trong đó có cá tiêu chí, điều kiện, thủ tục,quy trình điều chỉnh để vừa giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, vừa đảm bảo tính đồng bộ kế thừa, ổn định và liên kết của hệ thống quy hoạch quốc gia.
“Cần bổ sung nội dung chính sách trong Luật Điện lực để giải quyết các vấn đề về điều chỉnh cụ thể của các dự án điện hoặc nhu cầu phụ tải mà không tác động làm thay đổi đến mục tiêu, quy mô, cơ cấu nguồn trong Quy hoạch phát triển điện lực (QHPTĐL)”- đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.
Đại diện các Cục của Bộ Công Thương trả lời các câu hỏi của các đại biểu |
Ngoài ra, trong các vấn đề tồn tại, Luật Điện lực chưa có quy định chế tài để đảm bảo triển khai thực hiện các dự án điện lực tuân thủ QHPTĐL, mặc dù Luật đầu tư, Luật đất đai đã có các quy định xử lý các trường hợp cần thu hồi dự án, tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục này chưa quyết liệt từ các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương. Dẫn đến không đảm bảo tính tuân thủ thực hiện đầu tư dự án điện đáp ứng mục tiêu theo QHPTĐL.Giải pháp được đưa ra là bổ sung các quy định phối hợp quản lý giữa các Bộ ngành, địa phương trong xử lý các chủ đầu tư các dự án nguồn điện triển khai bị chậm tiến độ, kéo dài, không các giải pháp khắc phục.
Đại diện Phòng Thuỷ điện- Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, tại Mục 3 về lựa chọ nhà đầu tư dự án nguồn điện, lưới điện, gồm 03 điều (từ 16 -18) có những nội dung: Pháp luật về điện lực chưa có quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nguồn điện, lưới điện. Pháp luật về đấu thầu và Đất đai đã có quy định trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Đồng thời, dự án nguồn điện, lưới điện có đặc thù riêng so với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực khá. Giải pháp được đưa ra là cần có quy định việc lựa chọn nhà đầu tư về nguồn điện, lưới điện trong pháp luật về điện lực để phù hợp với các quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đất đai.
Trong ngày làm việc thứ 2, hội nghị tiếp tục với 3 chuyên đề: Thị trường điện và một số nội dung liên quan đến hoạt động mua bán trên thị trường điện; Giá điện và hợp đồng mua bán điện; Vận hành hệ thống điện, quản lý nhu cầu điện. Các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến về các chuyên đề và các vấn đề chung khác.
Đại diện đến từ Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) đặt câu hỏi tại Hội thảo |
Đại diện đến từ Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) đặt câu hỏi: Trong Mục 4 - Xử lý các dự án chậm tiến độ (Luật Điện lực), chưa thấy đề cập đến các trường hợp dự án ngừng triển khai mà chưa thấy hướng dẫn xử lý các vấn đề tài chính của dự án này để hỗ trợ chủ đầu tư thu hồi chi phí đã thực hiện.
Đại diện Phòng Quản lý năng lượng - Sở Công Thương Quảng Bình đặt câu hỏi, cần làm rõ điện gió ngoài khơi và điện gió gần bờ và trên bờ.
“Thế nào là điện gió ngoài khơi và cách bao nhiêu hải lý, thế nào là điện gió gần bờ được quy định như thế nào, hai loại hình này khác nhau hay giống nhau”- ông Thanh đặt câu hỏi.
Đại diện Phòng Quản lý năng lượng - Sở Công Thương Quảng Bình đặt câu hỏi |
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân góp ý về một số nội dung, câu từ cần được làm rõ trong nội dung Quy hoạch và Đầu tư phát triển điện lực.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân góp ý về một số nội dung, câu từ cần được làm rõ trong nội dung Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực. |
Trả lợi các vấn đề do các đại biểu đặt ra, đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương đã giải thích rõ các vấn đề trong Luật Điện lực, đồng thời ghi nhận các ý kiến làm rõ hợp lý và có kiến nghị đề xuất tham mưu bổ sung.
Trước đó, ngày 3-4/5 tại TP. Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh phía Bắc; 9-10/5, tại Phú Yên, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh phía Nam và nhận được nhiều ý kiến góp ý xây dựng. |