3 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2023 của kinh tế Việt Nam Gỡ điểm nghẽn bất động sản cho phát triển kinh tế Việt Nam Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài vào ngày mai, 22/4 |
Vai trò quan trọng của khu vực FDI
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài vào sáng 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ quan điểm, Chính phủ Việt Nam mong muốn được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiếu, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư tại Việt Nam cũng đã cảm nhận được những chia sẻ, thấu hiếu, đồng hành và sự nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong quá trình chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực liên quan đến đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát thể chế, pháp luật, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị |
Cũng theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.
Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự nhưng xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật theo quy định để bảo đảm, bảo vệ những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng, với sự phát triển chung.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua trên tinh thần tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành. Những yếu tố quyết định này là "chìa khóa" cho sự hợp tác thành công giữa đôi bên. Theo Thủ tướng, "khi chúng ta có những yếu tố này thì những khó khăn, vướng mắc sẽ được giải quyết dễ dàng, kịp thời và hiệu quả hơn".
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Khu vực đầu tư nước ngoài được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam mong muốn được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiếu, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài |
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến ngày 20/03/2023, Việt Nam có 36.881 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 444,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt hơn 278,3 tỷ USD, bằng gần 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 264,2 tỷ USD (chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 66,7 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với hơn 38,3 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư).
Đồng hành cùng nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả khu vực FDI
Đóng vai trò quan trọng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam, song theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khu vực FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập cần giải quyết, những thách thức cần vượt qua, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển và mong muốn của cả hai phía.
Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là các hoạt động đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, việc OECD có kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến đầu tư nước ngoài cũng như thu hút đầu tư nước ngoài của các quốc gia, khu vực.
Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc kiên định các vấn đề có tính nguyên tắc, việc thích ứng linh hoạt, an toàn, sáng tạo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả đối với các vấn đề cụ thể về đầu tư nước ngoài là rất quan trọng, mang tính quyết định đối với cả quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, các cơ quan đã khảo sát, lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để triển khai các biện pháp cụ thể liên quan tới giảm, giãn, miễn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và Chính phủ, Thủ tướng đang tiếp tục quyết liệt chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có các chính sách tiền tệ trong một vài ngày tới về khoanh nợ, giảm nợ, giãn nợ, gia hạn nợ…
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tiếp |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Năm 2023 là năm quan trọng với Việt Nam, là năm "bản lề" trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để cơ cấu lại nền kinh tế đất nước và thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Nếu các năm 2021-2022 là giai đoạn tạo tiền đề, thì 2023 là thời điểm để "tăng tốc".
Mục tiêu là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Qua đó, tạo sự bứt phá cho 5 năm tiếp theo (2025-2030) với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, đồng thời nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn với các bộ, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Trong đó, đối với các bộ, ngành, địa phương cần tập trung 4 giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu; khẩn trương xử lý triệt để cho doanh nghiệp, không để khó khăn tồn đọng kéo dài; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư ngay ở cấp cơ sở.
Thứ hai, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023 để tiếp tục tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Thứ ba, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp: Kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; đa dạng hóa đối tác; và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Thứ tư, chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư như: Chuẩn bị mặt bằng sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; năng lượng; nguồn cung lao động có tay nghề; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị; chuẩn bị sẵn các ”gói” chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng trong năm 2024, tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công.