Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra tiến độ thi công tại Dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng.
CôngThương - Những con số biết nói
KKT Vũng Áng có diện tích rộng 22.781 ha, với địa thế thuận lợi, hạt nhân là cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương (sâu nhất khu vực Bắc Trung Bộ), cho phép tàu có tải trọng từ 30-50 vạn tấn cập bến… Ngoài ra, cảng Vũng Áng còn là cửa ngõ ra biển của nước bạn Lào và Thái Lan.
Bên cạnh lợi thế cảng nước sâu, Vũng Áng có cơ sở và vị trí xây dựng và phát triển cụm ngành sắt thép, sản xuất các sản phẩm từ thép và ngành công nghiệp hỗ trợ bền vững, quy mô lớn.
Cách Vũng Áng 60 km về phía Bắc là thành phố Hà Tĩnh và mỏ sắt Thạch Khê. Đây là mỏ lớn hàng đầu khu vực Đông Nam Á với trữ lượng 544 triệu tấn, chiếm 60% tổng trữ lượng quặng sắt của cả nước. Mỏ đang được tiến hành bóc đất tầng phủ, đầu tư xây dựng hạ tầng và hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công.
Hiện nay, tại KKT Vũng Áng có trên 330 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn hơn 16 tỷ USD. Đáng chú ý, khu kinh tế trọng điểm này liên tục thu hút nhiều công trình, dự án lớn mang tầm quốc gia và khu vực như: Khu liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn FoRmosa (10 tỷ USD), Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I (1,56 tỷ USD), Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II (2,4 tỷ USD)… Ngoài ra còn nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn đang hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp phép chứng nhận đầu tư.
Với những gì diễn ra hiện nay, KKT Vũng Áng đang là “địa chỉ đỏ” của các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Mục tiêu tạo việc làm cho trên 60 ngàn lao động và thu ngân sách tại KKT đạt 2.500 tỷ đồng vào năm 2015 có thể nói đã trong tầm với… |
Trong số các dự án này, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I đã phát thương mại vào ngày 27/12/2013; Khu liên hợp gang thép và và Cảng Sơn Dương Formosa công suất giai đoạn I là 7,5 triệu tấn, vốn đầu tư gần 10 tỷ USD dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.
Nhằm phục vụ cho các dự án đầu tư, dự án cấp nước có tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng đã được khởi công. Đến nay giai đoạn I của công trình đã hoàn chỉnh và cung cấp nước cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I. Nhiều hạng mục khác của dự án cũng đang được các nhà thầu quyết liệt thi công đồng loạt từ Hồ Rào Trổ đến đập dâng Lạc Tiến và hệ thống tuy nen kênh dẫn.
Để gấp rút có nguồn nước phục vụ cho dự án Formosa với lưu lượng 120.000 m3 ngày đêm, các nhà thầu vẫn huy động tối đa nhận lực, phương tiện, máy móc, vật tư thi công liên tục, nhằm đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là chuẩn bị cho việc chặn dòng sông Trí theo kế hoạch vào ngày 16/1 tới đây.
Cánh cửa của những vận hội mới
Có thể nói, với số lượng nhà đầu tư, tổng số vốn đăng ký, hiện tại, Vũng Áng đã trở thành một trong những KKT dẫn đầu cả nước về số vốn đầu tư, tỷ lệ lấp đầy. Dự báo, KKT Vũng Áng sẽ là một trung tâm công nghiệp của khu vực Bắc Trung bộ và Đông bắc Thái Lan, Lào trong tương lai gần.
Chính vì lẽ đó, KKT Vũng Áng là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm được Chính phủ lựa chọn tập trung đầu tư tại Đề án “Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2015”.
Công trường xây dựng Nhà máy Luyện cán thép và cụm cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh.
Sự phát triển của KKT Vũng Áng những năm gần đây đã góp phần làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh theo hướng tăng mạnh tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và từng bước đưa Hà Tĩnh trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 2010 đến nay của Hà Tĩnh luôn trên 14%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn này tăng bình quân trên 50%/năm. Đặc biệt, trong năm 2013, các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng đã đóng góp cho ngân sách tỉnh hơn 1 ngàn tỷ đồng, một con số rất đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế đang có những biến động thất thường như hiện nay…
Dự kiến đến năm 2015, tổng vốn đầu tư thu hút từ các doanh nghiệp và KKT Vũng Áng đạt khoảng 31 tỷ USD. Trong đó thu hút đầu tư nước ngoài 25,5 tỷ USD, vốn đầu tư trong nước khoảng 5,5 tỷ USD. Đến năm 2020, tổng vốn đầu tư vào khu kinh tế này đạt 45 tỷ USD, trong đó vốn FDI là 39 tỷ USD, vốn đầu tư trong nước khoảng 6 tỷ USD, vốn đầu tư tư nhân khoảng 18 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để trở thành trung tâm công nghiệp nặng của cả khu vực và đầu tàu xâu chuỗi các hoạt động kinh tế của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung, KKT sẽ được tập trung xây dựng, phát triển theo hướng đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực (công nghiệp, đô thị, dịch vụ ...). Trong đó, hạt nhân là trung tâm luyện cán thép, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện Vũng Áng gắn với cụm cảng nước sâu Vũng Áng, Sơn Dương.
Hiện thực hóa mục tiêu này, Hà Tĩnh sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương, địa phương tập trung hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong KKT Vũng Áng, đồng thời đa dạng hóa huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng như hệ thống cầu, cảng, giao thông nội bộ; đẩy mạnh việc xúc tiến, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; ảm thiểu các thủ tục, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.