Với những bước phát triển đột phá trong những năm vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đang có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 755.000 tỷ đồng (tương đương 31,6 tỷ USD) đóng góp khoảng 9,2% vào GDP. Năng lực cạnh tranh liên tục được cải thiện và nhận được nhiều giải thưởng danh giá của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới.
Khu du lịch quốc gia Sa Pa |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, kết quả này thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành du lịch, trong đó có sự đóng góp tích cực của các khu du lịch quốc gia (KDLQG), các địa điểm tiềm năng phát triển KDLQG. KDLQG đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đặc biệt trong việc khai thác tài nguyên du lịch, hình thành sản phẩm đặc thù có vai trò định hướng, dẫn dắt phát triển du lịch của vùng và cả nước.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện tại, cả nước có 49 địa điểm tiềm năng phát triển KDLQG. Trong đó, có 28 địa điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể KDLQG; 6 địa điểm được công nhận là KDLQG gồm: KDLQG Hồ Tuyền Lâm (tỉnh Lâm Đồng), Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Núi Sam (tỉnh An Giang), Trà Cổ (tỉnh Quảng Ninh), Mũi Né (tỉnh Bình Thuận) và Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ).
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại Khoản 2, Điều 29 Luật Du lịch giao Chính phủ quy định mô hình quản lý KDLQG nhưng sau gần 4 năm thực hiện Luật Du lịch, Chính phủ vẫn chưa quy định nội dung này. Do đó, tồn tại nhiều cách thức quản lý khác nhau và không thống nhất, gây khó khăn và lúng túng trong việc quản lý và phát triển khu du lịch quốc gia. Thực tế cho thấy, trong 6 KDLQG, 43 địa điểm tiềm năng, có 27 khu du lịch đã thành lập Ban Quản lý (BQL) hoặc giao một cơ quan chức năng quản lý, 20 khu chưa có đơn vị đầu mối quản lý, do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, cấp xã quản lý trực tiếp; 2 khu do doanh nghiệp đầu tư, quản lý và khai thác.
Trên thực tế đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất xây dựng Nghị định khung về mô hình quản lý KDLQG nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý; thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KDLQG; định hướng quản lý và phát triển KDLQF trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, phát huy vai trò của hệ thống KDLQG trở thành động lực đầu tàu phát triển kinh tế du lịch ở các địa phương, qua đó đóng góp tích cực vào phát triển du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, Nghị định sẽ quy định về mô hình quản lý KDLQG gia gồm: mô hình quản lý KDLQG; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của Ban Quản lý KDLQG; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý KDLQG.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết, quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị định là bám sát quan điểm, nguyên tắc trong quá trình xây dựng Luật Du lịch để soạn thảo quy định chi tiết các nội dung được Luật giao, đồng thời đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và công dân; Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của dự thảo Nghị định với hệ thống pháp luật hiện hành; kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với Luật Du lịch; Các quy định phải cụ thể, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương. Đồng thời, các địa phương căn cứ tình hình thực tế lựa chọn mô hình quản lý KDLQG bảo đảm hiệu quả và phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân, cơ quan, đơn vị các Bộ ngành, địa phương về dự thảo Nghị định quy định mô hình quản lý KDLQG.