Khu công nghiệp vi phạm môi trường có thể bị rút giấy phép
- Hiện có khoảng bao nhiêu khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải, thưa ông?
Ông Trần Duy Đông Vụ trưởng vụ quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) |
Tính đến hết tháng 8/2014, Việt Nam có 295 KCN được thành lập và đã có 207 KCN đi vào hoạt động, trong số 207 KCN đang hoạt động thì có khoảng 80% KCN đã có nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các KCN chưa có nhà máy xử lý nước thải sẽ xả thải trực tiếp ra môi trường, đối với những KCN này các cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp phải tự xử lý nước thải, đáp ứng yêu cầu trước khi xả thải ra môi trường.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam nêu rõ, mục tiêu giai đoạn 2011-2015, 100% KCN đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải. Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta đã có những phương án gì, thưa ông?
Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với Bộ Tài Nguyên & Môi trường, các bộ ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh hoàn thiện các chế tài, văn bản pháp quy làm sao để các KCN phải có trách nhiệm xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân và các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ môi trường tại KCN thông qua các chương trình hỗ trợ và khóa đào tạo.
Ông vừa nhắc đến hoàn thiện chế tài đối với các KCN gây ô nhiễm môi trường, vậy tới đây, những đơn vị xả thải trực tiếp ra môi trường sẽ bị xử lý như thế nào?
Ngoài đưa ra các văn bản pháp quy nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả chấp hành các quy định bảo vệ môi trường tại KCN, tới đây sẽ có các chế tài mạnh hơn đối với những KCN vi phạm môi trường, có thể sẽ rút giấy phép hoạt động đối với những đơn vị vi phạm.
Được biết, Bộ KH&ĐT vừa khởi động dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình công nghiệp bền vững tại Việt Nam”, xin ông cho biết thêm thông tin dự án này?
Đây là dự án có tổng kinh phí hơn 53 triệu USD, trong đó vốn ODA không hoàn lại từ Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc là 4,5 triệu USD, vốn đối ứng của Bộ KH&ĐT là 108 ngàn USD, vốn đồng tài trợ bằng hiện vật của các cơ quan phối hợp thực hiện từ phía Việt Nam và UNIDO là 38,7 triệu USD, vốn đồng tài trợ tiềm năng bằng tiền mặt và tín dụng ưu đãi cho các hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp là 9,7 USD… ngoài ra còn có các nguồn vốn khác. Mục tiêu của dự án không chỉ hướng đến vấn đề xử lý nước thải mà còn giảm khí thải nhà kính, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nguyên nhiên liệu của doanh nghiệp tại các KCN.
Ban đầu dự án sẽ được làm thí điểm tại Đà Nẵng, Cần Thơ, Ninh Bình. Sau khi thành công, nhân rộng phát triển mô hình KCN sinh thái trên phạm vi cả nước, nhằm hướng tới xây dựng mô hình KCN phát triển bền vững tại Việt Nam.
Nguyễn Hòa