Chúng cho rằng nền kinh tế Việt Nam ngày càng yếu kém, dân tình khổ sở, nhiều nơi thiếu đói. Chúng quy kết tình hình sản xuất kinh doanh yếu kém là do sự lãnh đạo dốt nát của Đảng, sự điều hành yếu kém của Nhà nước… Chúng còn trắng trợn dự báo cứ đà này kinh tế Việt Nam sẽ đi vào ngõ cụt, không lối thoát và kích động người dân phải đấu tranh để “xóa bỏ” đường lối kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Hình minh họa |
Nhưng sự thật không phải như vu cáo, xuyên tạc của các thế lực xấu. Những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam vẫn đã và đang ổn định, phát triển tốt dù có gặp nhiều khó khăn, nhất là tình hình ảnh hưởng của dịch Covid - 19 từ đầu năm 2020.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên”.
Trong năm 2021 và quý 1/2022, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục vượt qua các khó khăn, thách thức, thu được những kết quả đáng khích lệ.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê vào ngày 29/3/2022, trong quý 1/2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,03%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 và 2021. Trong đó giá trị tăng thêm toàn ngành sản xuất tăng 7,07% so với cùng kỳ, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%. Đáng chú ý, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ…
Chỉ qua sơ bộ mấy số liệu trên đã cho thấy những kết quả tiến bộ, khả quan của nền kinh tế Việt Nam. Thành tích trên càng có ý nghĩa sâu sắc hơn bởi nó có được trong bối cảnh chúng ta phải chịu những thách thức, trở ngại, khó khăn lớn của đại dịch Covid - 19.
Không chỉ có dư luận trong nước đánh giá cao mà thế giới cũng khẳng định những tiến bộ của nền kinh tế Việt Nam. Trung tuần tháng 3/2022, Báo cáo “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới đã nêu rõ những tác động tiêu cực của dịch Covid - 19 đến kinh tế Việt Nam, nhưng đã đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục được phục hồi, với những số liệu khả quan, tích cực, như: sản xuất công nghiệp tăng 8,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước…
Thành công của nền kinh tế Việt Nam là kết quả sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Nhà nước, nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương và cả cộng đồng. Sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc chính là nội lực to lớn để chúng ta đi đến thắng lợi về kinh tế cũng như các nhiệm vụ quan trọng khác của cách mạng Việt Nam. Đây đồng thời cũng là cơ sở quan trọng, là niềm tin, chỗ dựa vững chắc để kinh tế nước ta tiếp tục phát triển, sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta tiếp tục thành công.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã và đang thẳng thắn, công khai chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của nền kinh tế để từ đó chỉ rõ, chính xác những nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm để nghiêm túc, kịp thời rút kinh nghiệm và sửa chữa khắc phục, thêm vững bước tiến lên ổn định và phát triển nền kinh tế đất nước trong tình hình mới.
Sự ổn định và phát triển của đất nước đang chờ đợi và kỳ vọng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống có hiệu quả mọi âm mưu chống phá thâm độc, xấu xa của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị; đồng thời tuyệt đối tin tưởng và cùng đoàn kết, gắng sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra, góp phần xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.