Tăng tốc tái đàn để sớm kéo giảm giá thịt heo trên thị trường Đi tìm giải pháp đồng bộ giảm giá thịt heo Thị trường miền Trung và Tây Nguyên: Giá thịt heo chưa giảm sâu do tái đàn chậm |
Sáng ngày 6/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn.
Thiếu nguồn cung - yếu tố chính đẩy giá thịt lợn
Lý giải vì sao giá thịt lợn liên tục tăng cao trong thời gian qua dù Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã có các biện pháp can thiệp, chỉ đạo bình ổn giá, ông Nguyễn Xuân Dương – Cục trưởng Cục Chăn nuôi - cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do dịch tả lợn châu Phi dẫn đến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh. Trong khi đó, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn chỉ chiếm thị phần 35% lợn thịt, còn lại 65% thị phần do doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá. Vì vậy, chưa đủ sức để kéo giá bình quân xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung làm tăng giá lợn thịt….
Thịt lợn chiếm 65 - 70% rổ thực phẩm do thói quen tiêu dùng của đại bộ phận người dân. Dù rất nhiều lần Chính phủ yêu cầu, các Bộ ngành kêu gọi các doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước giảm giá thịt lợn, chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng nhưng giá chỉ giảm đôi chút rồi lại bật tăng trở lại. Nhập khẩu thịt lợn đáp ứng một phần nguồn cung được triển khai.
Về phía người tiêu dùng, đợi mãi giá thịt lợn trong nước không giảm, để thắt chặt chi tiêu nhất là trong bối cảnh dịch Covid- 19, việc chuyển sang lựa chọn thịt lợn nhập khẩu được nhiều người lựa chọn và thậm chí đã bắt đầu quen sử dụng sản phẩm này.
Chị Nguyễn Thu Trang (ngõ Hòa Bình 7, đường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) - chia sẻ, do giá thịt lợn nhập khẩu khá hấp dẫn, giảm tới gần một nửa so với giá thịt lợn trong nước, trong khi đó, những sản phẩm này khi nhập khẩu được kiểm dịch, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cao từ các nước khó tính như châu Âu nên tôi đã chọn mua sử dụng thử. Dù là hàng đông lạnh nhưng khi chế biến hương vị thịt lợn nhập khẩu không khác gì thịt lợn tươi trong nước.
Sau một thời gian còn khá lép vế, nay thịt lợn ngoại đang bắt đầu "vùng lên", được chọn mua nhiều. Thịt nhập khẩu đang được các doanh nghiệp nhập về ngày càng nhiều. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tính đến hết ngày 13/4, lượng thịt lợn nhập khẩu của Việt Nam đã lên đến con số 46.402 tấn, tăng hơn 300% so cùng kỳ. Ông Đoàn Thành Lũy - Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 2 - cho biết, 4 tháng đầu năm, nhập khẩu qua cửa khẩu và cảng biển Hải Phòng là 819 lô, tương đương hơn 25 nghìn, tăng 325%, gấp 3 lần.
Đẩy mạnh tái đàn liệu có dễ?
Đẩy mạnh tái đàn sẽ là giải pháp quan trọng nhằm đáp ứng nguồn cung đang thiếu trong nước. Trên thực tế, việc đẩy mạnh tái đàn cũng gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ rõ, do người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch, thiếu vốn, thiếu con giống nên chưa thể chăn nuôi trở lại; nhiều địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch... Mặt khác, nguồn lợn giống cũng khan hơn, nhiều nông hộ, trang trại bên ngoài không tiếp cận được nguồn giống dẫn đến giá mặt hàng này hiện nay tăng rất cao, 2,5 đến hơn 3 triệu đồng/con. Dù giá tăng cao nhưng nhiều hộ có tiền, có điều kiện cũng không mua được giống để tăng, tái đàn.
Để tái đàn an toàn, ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - kiến nghị các doanh nghiệp và Bộ NN&PTNT hỗ trợ con giống, kỹ thuật và chăn nuôi an toàn sinh học để các trang trại, các hộ tăng, tái đàn, sớm khôi phục sản xuất, chăn nuôi trở lại, bền vững hơn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lo ngại, nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả việc tái đàn, chúng ta sẽ mất một góc thị phần của ngành chăn nuôi lợn trị giá 10 tỷ USD.
Sự lo ngại này là có cơ sở bởi lẽ, cùng với việc nhập khẩu, trong quá trình phân phối doanh nghiệp cũng giải thích với khách hàng về tiêu chuẩn chất lượng. Phía cơ quan chức năng cho hay sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp nhập khẩu sớm đưa thịt lợn về Việt Nam.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, quan trọng nhất trong kinh doanh nông nghiệp nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng là giữ thị trường chứ không phải vấn đề giá. Và khi người tiêu dùng đã quen với thịt nhập khẩu thì việc quay lại với thịt lợn nội là điều không dễ.
“Chắc chắn không thể để giá lợn cao mãi như thế này, sẽ phải có nhiều giải pháp để điều hành, trong đó có những giải pháp khi áp dụng rồi sau này không bao giờ rút lại được. Do đó, ngoài 15 doanh nghiệp nòng cốt chiếm khoảng 35% thị phần rất cần sự vào cuộc, chung tay của các trang trại, gia trại, chăn nuôi lợn nông hộ", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, công tác tái đàn hiện nay cần nguồn vốn rất lớn vì vậy ngân hàng phải cùng đồng hành với bà con nông dân, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi để không chỉ phát triển nhanh mà còn hướng đến mục tiêu bình ổn thị trường với giá cả hợp lý, về lâu dài giảm thiệt hại đối với ngành chăn nuôi.
Các nhóm chính sách phải thực hiện đồng bộ từ khu vực Nhà nước đến các địa phương, trong đó đối với các hộ chăn nuôi, trang trại, hợp tác xã phải liên kết chặt chẽ theo chuỗi, trước hết phải tuân thủ nghiêm quy trình an toàn sinh học bởi vì nếu để xảy ra dịch bệnh thì nguy cơ rủi ro, thiệt hại đơn, thiệt hại kép là không thể lường hết được.
Song song đó, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thương mại với vai trò dẫn dắt và trách nhiệm xã hội tập trung chia sẻ các sản phẩm dịch vụ, con giống cho các nhóm hộ, hợp tác xã. "Hợp tác xã và nông hộ đang rất yếu thế cần phải được hỗ trợ ngay để đối tượng này tái đàn nhanh, hiệu quả và bền vững", ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo báo cáo của các địa phương, đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cục Chăn nuôi dự kiến, sản lượng thịt xuất chuồng quý I/2020 đạt hơn 811 nghìn tấn; dự kiến quý II/2020 đạt hơn 900 nghìn tấn; quý III/2020 đạt hơn 1 triệu tấn; quý IV/2020 đạt gần 1,1 triệu tấn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quý năm 2018 (trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi) là khoảng 920 nghìn tấn, như vậy đến quý III, quý IV sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt lợn. |