Quy định mới sẽ dẫn đến “luật chồng luật”?
Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn trong dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh – nhắc lại, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã kết luận giữ nguyên quy định Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng nghiên cứu tăng thẩm quyền và giữ mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và UBCKNN như hiện hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên khai mạc |
Thực hiện chỉ đạo, ngoài một số chức năng mới, như: xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK, chiến lược, kế hoạch, dự án, chính sách phát triển TTCK để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (SGDCKVN) và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (TCTLK VN); thanh tra, kiểm ra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán... thì “Thường trực UBKT đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của UBCKNN đối với SGDCK VN và TCTLK VN” – ông Thanh. Đồng thời giải trình, thứ nhất, SGDCK VN và TCTLK VN là các doanh nghiệp đặc thù, là nơi duy nhất tổ chức thị trường giao dịch, tổ chức các hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán cho toàn bộ thị trường của Việt Nam. Thứ hai, quy định này không trái với quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, đồng thời, thực tế cũng có nhiều mô hình thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp (gồm Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND cấp tỉnh và Tổng Công ty đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước).
Cho ý kiến vào nội dung này, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp – diễn giải, luật hiện hành chỉ có bộ, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước... thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước. Khi thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chúng ta cũng giao cho Uỷ ban này làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại một số doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, nếu quy định như trong dự thảo Luật thì sẽ phát sinh thêm đầu mối.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Đã có những ý kiến trái chiều về nội dung quy định đại diện chủ sở hữu Nhà nước của UBCKNN đối với SGDCK VN và TCTLK VN, do đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hôi xem xét trong kỳ họp tới |
Trong khi đó, đối chiếu với Luật Chứng khoán hiện hành, Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước và Luật Doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật – chỉ rõ, nếu quy định như dự thảo thì SGDCK VN và TCTLK VN phải chịu sự điều chỉnh của cả 3 luật, dẫn đến những chồng chéo khi thực thi.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là quy định mới được đưa vào dự thảo luật và nếu quy định mở rộng như trên thì trái với các luật khác. Chính vì vậy, Ban soạn thảo đã báo cáo Chính phủ và đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện khi Chính phủ có ý kiến.
Phát biểu kết luận nọi dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc tăng thẩm quyền cho UBCKNN là cần thiết, tuy nhiên vì còn ý kiến khác nhau nên Ban soạn thảo và co quan thẩm tra cần tiếp tục tiếp thu ý kiến, chỉnh lý trước khi trình dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) tại lỳ họp Quốc hội tới đây.
Chưa ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ CPH-TVNN tại doanh nghiệp
Báo cáo UBTVQH, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh thay mặt Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội – cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBTVQH về việc thành lập Đoàn công tác để làm rõ sự cần thiết ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước (CPH-TVNN) tại doanh nghiệp, Đoàn công tác đã làm việc với một số Bộ, ngành và địa phương. Trên cơ sở kết quả làm việc, Đoàn công tác kiến nghị: “Không cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ CPH-TVNN tại doanh nghiệp” – Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh nói và đánh giá, cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng nguồn thu từ CPH-TVNN tại doanh nghiệp liên tục được hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ CPH-TVNN tại doanh nghiệp. Đã kịp thời cân đối cho ngân sách nhà nước để chi cho đầu tư công theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.
Ông Vũ Hồng Thanh: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua; rà soát, sửa đổi các văn bản dưới luật bảo đảm việc thực hiện đúng, đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 |
Giải trình chi tiết, ông Thanh cho biết, do các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn thu từ CPH-TVNN tại doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.
Do đó, để đồng bộ với nội dung thu, chi trong Luật Ngân sách nhà nước, Đoàn công tác đề nghị xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13. Theo đó, vừa sửa đổi được một số bất cập hiện nay của Luật số 69/2014/QH13 vừa bảo đảm được việc không ban hành quá nhiều văn bản quy định về cùng một nội dung, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo, đồng thời tuân thủ đúng quy định tại Điều 55 của Hiến pháp.
Đoàn công tác đề nghị Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tránh tình trạng các văn bản dưới luật quy định trái với quy định của Luật hoặc không được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Đối với Chính phủ, Đoạn công tác đề nghị chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu từ CPH-TVNN tại doanh nghiệp thời gian qua; rà soát, sửa đổi các văn bản dưới luật bảo đảm việc thực hiện đúng, đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, theo đó các khoản thu từ CPH-TVNN tại doanh nghiệp thực hiện nộp ngân sách nhà nước (thu từ DN TW nộp về NSTW, thu từ DN địa phương nộp về NS địa phương); các khoản chi cho hỗ trợ sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, bổ sung vốn nhà nước tại doanh nghiệp do NSNN bố trí. Đồng thời xử lý dứt điểm kiến nghị của các địa phương về quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Theo nghị trình, từ ngày 9-20/9, phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến vào các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; tiến hành giám sát chuyên đề và quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.