Phát biểu tại Hội thảo “Cải cách môi trường kinh doanh: Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) - cho biết: Dự thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) soạn thảo, được lấy ý kiến rộng rãi từ tháng 7/2021. Nhiều cơ quan, tổ chức, các hiệp hội trong và ngoài nước cũng đưa ra ý kiến góp ý về dự thảo, trong đó tập trung chủ yếu vào 3 nội dung: GPMT; một số điều kiện sản xuất, kinh doanh; đóng góp tái chế sản phẩm, bao bì. Tuy nhiên, đến dự thảo ngày 5/10 vẫn có những nội dung khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại.
Thủ tục cấp giấy phép môi trường cần đơn giản hơn |
Mới đây, 11 hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, trong đó có Hiệp hội Sữa; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam; Hiệp hội Chè; Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam; Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam… đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành nêu rõ: Mặc dù dự thảo ngày 5/10/2021 là phiên bản chỉnh lý, sửa đổi so với dự thảo trước đó, nhưng nghiên cứu kỹ thì vẫn còn nhiều nội dung lớn không phù hợp với các luật hiện hành và điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Những nội dung này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho sự phát triển đất nước mà còn làm phát sinh thủ tục hành chính.
Với mong muốn có một nghị định phù hợp, khả thi, 11 hiệp hội đã đưa ra 6 góp ý, đề xuất quan trọng với dự thảo nghị định, đó là: Cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp GPMT và chuyển sang hậu kiểm thay vì tiền kiểm; cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư - kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp; bãi bỏ việc thành lập EPR (quy định trách nhiệm tái chế và xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu) và Hội đồng EPR; cần phải bổ sung khung pháp lý và khung pháp lý phải rõ ràng, nhằm quản lý “đóng góp tài chính để tái chế bao bì, sản phẩm chất thải”; điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỷ lệ đóng góp để xử lý chất thải cho phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn của Việt Nam; lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 1/2025 để có thời gian xây dựng công nghiệp tái chế chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng khả thi, đồng thời có thời gian giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trong đó, với việc đơn giản hóa thủ tục cấp GPMT, 11 hiệp hội, ngành hàng cho rằng, thủ tục cấp GPMT trong dự thảo nghị định nêu ra rất phức tạp, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, không rõ ràng, dễ tạo cơ chế xin - cho, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam mà không đạt được mục đích BVMT tốt hơn. Đặc biệt, chỉ dựa vào tiền kiểm, nên không có nhiều hiệu quả quản lý.
Cụ thể, các bất cập chính trong quy định GPMT là, việc tích hợp 7 giấy phép thành 1 giấy phép nhìn qua tưởng là cải cách, nhưng thực ra chỉ là 7 nội dung gộp vào một tờ giấy phép, song lại có nguy cơ lớn gây tăng thủ tục hành chính, khi chỉ 1 nội dung trong nhóm 7 nội dung thay đổi thì doanh nghiệp lại phải xin cấp lại GPMT. Hồ sơ cấp GPMT cũng được cho là trùng lắp nhiều với hồ sơ đánh giá tác động môi trường và không rõ ràng. Bên cạnh đó, quy trình cấp GPMT, quy định cấp đổi, điều chỉnh lại GPMT cũng thiếu rõ ràng, chưa kể bất cập khi dự án đang hoạt động cũng phải đi xin GPMT như dự án mới… trước những bất cập trên, các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất, dự thảo nghị định cần sửa đổi, bổ sung để tránh trùng lắp hồ sơ, theo đó những hồ sơ đã nộp xin duyệt tác động môi trường thì không nộp lại xin duyệt GPMT. Đồng thời, quy định đưa ra cần đơn giản, không gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngày 18/10, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã làm việc với đại diện các hiệp hội và ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của các hiệp hội nêu ra về những bất cập trong dự thảo. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã tiếp thu và không đưa Hội đồng EPR vào dự thảo.
Nhằm tạo thuận lợi và không làm tăng thêm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM - cho rằng: Dự thảo cần đảm bảo chất lượng, mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo niềm tin cho doanh nghiệp thực hiện một cách minh bạch, thuận lợi nhất.
Nhằm nhận được những ý kiến trao đổi cởi mở, thẳng thắn của các doanh nghiệp, hiệp hội để hoàn thiện dự thảo nghị định, ngày 18/10, Bộ TN&MT cũng làm việc với đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến các kiến nghị về dự thảo nghị định. |