Tiềm năng rất lớn…
Theo TS. Đào Văn Thịnh – Viện Địa chất và Môi trường, Tổng Hội Địa chất Việt Nam, bể than sông Hồng (BTSH) kéo dài khoảng 120 km từ thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến bờ biển vịnh Bắc Bộ, qua địa phận các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng và TP. Hà Nội. Khu vực tiềm năng có các vỉa than quy mô công nghiệp có thể khai thác vào khoảng 1.920 km2 thuộc địa bàn 3 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.
Theo các chuyên gia, việc khai thác BTSH là vấn đề rất lớn, phức tạp nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng |
TS. Thịnh dẫn số liệu từ kết quả Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền BTSH được thực hiện theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 20/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ cho biết, mục tiêu tài nguyên than cấp 333, 334a và 334b đạt 210 tỷ tấn trong đó tài nguyên cấp 333 đạt 10 tỷ tấn.
“Như vậy BTSH có tiềm năng tài nguyên than rất cao, Nếu tính đến độ sâu – 3.500m thì tổng tài nguyên than đạt 210 tỷ tấn, gấp 20 lần bể than Quảng Ninh” – ông Thịnh tính toán.
Bổ sung thông tin, GS.TS Trần Văn Trị - Tổng Hội địa chất Việt Nam – cho biết, theo các tài liệu địa chất, địa vật lý và khoan thăm dò từ năm 1961 đến nay (hiện lưu tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoán sản Việt Nam và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) thì than ở đồng bằng sông Hồng có dạng vỉa hoặc thấu kính có bề dày thay đổi từ 0,3 – 10m. Nhãn hiệu than ở đây thuộc loại á-bitum (than mỡ) có chất lượng tốt với nhiệt lượng trung bình cao, khoảng 6.840cal/g; độ tro khoảng 13,26%; chất bốc khoảng 48,15% và lưu huỳnh ở mức 1,54%.
Đánh giá tiềm năng tài nguyên than của BTSH là rất lớn, song các chuyên gia cho rằng, điều kiện địa chất công trình và địa chất thuỷ văn của khu vực này khá phức tạp. Cụ thể, theo TS. Đào Văn Thịnh, trên phạm vi BTSH có các đứt gãy kiến tạo cỡ khu vực chạy qua và đa số là các đứt gãy đang hoạt động, đứt gãy sinh chấn, gồm: Đứt gẫy sông Hồng, sông Chảy, sông Lô và Vĩnh Ninh.
“Các đứt gãy đang hoạt động rất nguy hiểm bởi chúng có thể gây ra động đất, trượt, nứt đất, ảnh hưởng đến độ bền vững của đất, đá tác động đến các công trình xây dựng, gây hư hại các công trình hạ tầng cơ sở, các công trình ngầm…” – ông Thịnh phân tích.
Trong khi đó, cũng qua tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, GS.TS Tạ Đức Thịnh – Hội Địa chất công trình Việt Nam – nhận định, điều kiện địa chất thuỷ văn BTSH rất phức tạp, có 3 tầng chứa nước, gồm: tầng Holocen (qh) nằm ở trên cùng, có diện tích phân bố rộng và chiều dày biến đổi manh; tầng Pleistocen (qp) nằm dưới tầng qh có chiều dày biến đổi từ 20-50m và có quan hệ thuỷ lực với tầng qh; tầng chứa nước khe nứt trong các đá trầm tích lục nguyên và trầm tích sinh hoá phân bố hạn chế, khả năng chứa nước trung bình và chất lượng nước có thể đảm bảo cho sinh hoạt.
“Do các tầng chứa nước có quan hệ thuỷ lực với nhau, kể cả với nước biển nên khi khai thác than, lượng nước dưới đất chảy vào đường lò hoặc các khoảng không gian ngầm sẽ rất lớn” - GS.TS Tạ Đức Thịnh phân tích.
Trên phương diện điều kiện xã hội, các chuyên gia cho biết, BTSH nằm trong vùng có đông dân cư với mật độ dân cư cao nhất cả nước (949 người/km2). Người dân khu vực này có tập quan canh tác lúa nước từ hàng nghìn năm và hiện đây đang là vựa lúa lớn thứ 2 cả nước. Cùng đó, đây còn là khu vực có nhiều đô thị đóng vai trò các trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá – xã hội vô cùng quan trọng nên BTSH được đánh giá là nằm trong vùng rất nhạy cảm về môi trường và xã hội.
Ảnh minh hoạ |
… nhưng cần sự cẩn trọng
Đánh giá cao tiềm năng tài nguyên và chỉ rõ những khó khăn do điều kiện địa chất công trình, địa chất thuỷ văn và điều kiện môi trường, xã hội, các chuyên gia khẳng định, nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để có giải pháp công nghệ khai thác phù hợp thì hệ luỵ là khôn lường.
Về giải pháp công nghệ, hiện có 3 phương án là: khai thác hầm lò; khai thác bằng khí hoá than ngầm và công nghệ khai thác sinh hoá. Phân tích tính ưu, nhược của từng giải pháp, các chuyên gia tóm tắt: Với công nghệ hầm lò, theo logic, là khả thi hơn cả vì ở Việt Nam, công nghệ này đã và đang được áp dụng tại các mỏ than hầm lò, nhất là ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, điều kiện khai thác than tại Quảng Ninh khác xa so với điều kiện tại BTSH ở khía cạnh chiều sâu khai thác, đặc điểm địa chất công trình và địa chất thuỷ văn.
Với công nghệ khí hoá than ngầm – đốt than ngay trong vỉa dưới lòng đất làm biến đổi thành phần hữu cơ của than thành các loại khí cháy, khí tổng hợp hoá học để sử dụng như một loại nhiên liệu – sẽ ít tác động hơn tới môi trường, nhưng hiện nay Việt Nam chưa chủ động vận hành công nghệ này, hơn nữa, việc kiểm nghiệm tác động của công nghệ này đòi hỏi thời gian dài.
Còn với công nghệ khai thác sinh hoá, các chuyên gia cho biết, đây là công nghệ mới được đề xuất từ đầu thế kỷ 21, hiện còn đang trong quá trình hình thành ý tưởng, nghiên cứu phát triển. Hơn thế ở Việt Nam hầu như không có chuyên gia nào được đào tạo và am hiểu sâu về công nghệ này.
Nói về những tác động không mong muốn của các giải pháp công nghệ đang được đề xuất, TS. Đào Văn Thịnh cho rằng, nếu khai thác than BTSH theo các công nghệ như đề cập trong Điều chỉnh Quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét đến triển vọng đến năm 2030, nhất là phương pháp hầm lò truyền thống, sẽ có nguy cơ xảy ra những sự cố môi trường và tai biến địa chất gây tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội.
“Sụt lún địa hình, gồm: sụt lún lâu dài, sụt lún tại chỗ và sụt lún lan toả có thể biến đồng bằng phì nhiều này thành hồ chứa nước nhiễm mặn” - TS. Đào Văn Thịnh cảnh báo và tiếp tục liệt kê hàng loạt hệ luỹ có thể xảy ra, như: nguy cơ suy giảm số lượng và chất lượng nước dưới đất; ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; ô nhiễm không khí và nước mặt do các nguồn thải trong quá trình khai thác, sàng tuyển, vận chuyển và tiêu thụ than; nhiễm mặn tầng chứa nước dưới đất…
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc tiến hành khai thác than BTSH cũng sẽ đưa đến những tác động xã hội đáng kể, trong đó, hàng nghìn hộ gia đình với hàng vạn dân phải di chuyển nhường đất cho hoạt động khai thác than, nhiều người trong số đó phải thay đổi nghề nghiệp; các quy hoạch kinh tế - xã hội của những địa phương trong khu vực BTSH sẽ buộc phải điều chỉnh…
Từ những cứ liệu nói trên, các chuyên gia thống nhất nhận định, việc khai thác BTSH là vấn đề rất lớn, phức tạp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng. Nếu trước mặt chưa đủ điền kiện khai thác thì nguồn tài nguyên quý giá này sẽ để lại cho các thế hệ mai sau. Trong tương lai, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật chắc chắn công nghệ mới sẽ đảm bảo việc khai thác BTSH đảm bảo hiệu quả kinh tế và không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, môi trường xã hội.