Chủ tịch Quốc hội: Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách |
Xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ quan trọng
Chiều 14/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội |
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức mới nảy sinh cần giải quyết, đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều quyết sách quan trọng, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ của quốc tế, nước ta đã vượt qua nhưng khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện.
“Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật được xác định là nhiệm vụ quan trọng, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội” - Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian chỉ đạo sát sao, thường xuyên, trực tiếp và cụ thể.
Từ tháng 10/2021 đến nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến 24 đề nghị xây dựng và 19 dự án luật, dự thảo nghị quyết. Trong năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề để xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Quy trình cho ý kiến thông qua các dự án, dự thảo được Chính phủ xem xét chặt chẽ hơn. Các dự án, dự thảo được các bộ chuẩn bị kỹ lưỡng, có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo. “Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn tồn tại hạn chế như tình trạng xin lùi thời hạn trình hoặc chưa thực sự đảm bảo chất lượng…” - Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành công tác trọng tâm, thường xuyên với nhiều đổi mới, sáng tạo hiệu quả, thích ứng với tình hình mới.
Đồng thời, là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nước ta thời gian qua phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do tình hình dịch Covid-19 và sức ép lạm phát cao, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ gia tăng, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường bị ảnh hưởng.
Các văn bản quy định chi tiết được ban hành về cơ bản đều tuân thủ quy trình xây dựng, ban hành văn bản, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi; góp phần sớm đưa các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện có chất lượng, góp phần bảo đảm các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua không phát sinh thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm, làm rõ thêm nguyên nhân và giải pháp khắc phục đối với một số hạn chế, bất cập.
Cụ thể, về kết quả xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết, đến nay còn 11/70 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn nợ chưa ban hành, chiếm 15,71% tổng số văn bản cần ban hành.
So với năm 2021, việc nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực tăng mặc dù số văn bản cần ban hành ít hơn so với cùng kỳ năm trước. Từ kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, số văn bản kiến nghị xử lý rất cao nhưng số văn bản được xử lý sau rà soát lại thấp.
Việc thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ở một số nơi, một số thời điểm còn chưa tốt, vẫn để xảy ra tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến bộ máy thực thi công vụ.
"Bên cạnh đó, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp trong một số lĩnh vực, như buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới, gian lận xuất xứ; lợi dụng thương mại điện tử để trốn thuế, tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 gia tăng, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; trục lợi trong tổ chức tiêm vắc-xin, xét nghiệm Covid-19; lợi dụng việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước để trục lợi…" - ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật có thêm một số đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát việc triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách; các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đẩy mạnh giám sát công tác thi hành pháp luật tại địa phương; quan tâm giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình tổng kết, xây dựng chính sách, soạn thảo, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua luật.
Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Đặc biệt, chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”; lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật; không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của các tổ chức, cá nhân.