Xu hướng khả quan
Tại “Diễn đàn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Tạo tác động xã hội dành cho các doanh nhân trẻ”, do Chương trình You CO:LAB thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các bên liên quan phối hợp tổ chức sáng ngày 3/11/2021, starup trẻ Trịnh Khánh Hạ - Công ty Vulcan Augmetics, chia sẻ: Việt Nam có khoảng 700.000 người khuyết tật một bộ phận chân tay. Nhu cầu về thiết bị hỗ trợ các chức năng khiếm khuyết rất được quan tâm. Trong khi đó, cánh tay giả nhập khẩu có giá hàng trăm triệu, nhiều người không thể tiếp cận, nếu sản xuất tại Việt Nam giá chỉ 25 triệu đồng.
Nhận thấy tiềm năng phát triển, đồng thời góp phần giúp người khuyết tật tay tại Việt Nam tiếp cận sản phẩm với giá cả phù hợp, Vulcan Augmetics đã nghiên cứu, thiết kế và sản xuất cánh tay giả đưa ra thị trường, đến nay người tiêu dùng đã biết đến và sử dụng. Trịnh Khánh Hạ, cho biết, nhóm người khuyết tât bị cắt cụt một bộ phận tay tại Việt Nam ước tính có khoảng 200.000 người, đây là mục tiêu Vulcan Augmetics hướng tới phục vụ trong vòng 5-10 năm tới cùng với định hướng xuất khẩu (đã nghiên cứu thị trường Ấn Độ dể xuất khẩu).
Starup trẻ khác là Ngô Thùy Anh - sáng lập dự án HASU, cho biết, trong đại dịch Covid-19, HASU đã nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu nhóm người cao tuổi, đưa ra thị trường nền tảng công nghệ tích hợp cung cấp các dịch vụ thông tin, kiến thức, đào tạo… giải quyết các vấn đề cuộc sống người cao tuổi đặt ra. Đến nay, nền tảng của HASU đã có khoảng 12.000 người sử dụng. Tiếp nối thành công bước đầu, HASU đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để mở rộng thị trường.
Bà Nguyễn Như Quỳnh, chuyên gia của UNDP, cho biết: Khởi nghiệp tạo tác động xã hội và đầu tư tạo tác động xã hội có nhiều cách hiểu. Tuy nhiên, hiểu đơn giả là, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp tạo tác động xã hội là DN hoạt động kinh doanh song song với mục tiêu về giá trị về tài chính, còn cam kết tạo ra các tác động tích cực tới xã hội, môi trường, sáng tạo các giá trị mới… Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động xã hội đang hình thành, một số starup đã khởi nghiệp khá thành công và đang có triển vọng phát triển.
Giải quyết các thách thức
Tuy nhiên, các starup điển hình nêu trên cũng cho biết, quá trình khởi nghiệp và hoạt động, khi cần mở rộng còn gặp phải những khó khăn, thách thức, nhất là về việc huy động các nguồn lực và không phải doanh nhân trẻ nào khởi nghiệp tạo tác động xã hội cũng có đủ các kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và nhận thức rõ được con đường của mình, cần phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía có liên quan, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.
Bà Trần Thị Phương Thảo - Quản lý Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp tác động xã hội về năng lượng sạch tại Việt Nam (New Engy Nexus Vietnam), cho rằng: Đầu tư vào các DN khởi nghiệp tác động xã hội, hoạt động của dự án cũng có thể tác động tích cực đến cá nhân này, nhưng không tích cực với cá nhân khác, đo lường tác động như thế nào cũng là bài toán đặt ra. Các nhà đầu tư khi làm việc với các đối tác khởi nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam hiện nay, thách thức họ gặp phải là tư duy tiếp cận các xu hướng phát triển mới còn hạn chế; thiếu các công cụ đo lường; tương tác, chia sẻ hạn chế; kiến thức về kinh doanh tác động xã hội, sự hỗ trợ của các tổ chức đổi mới sáng tạo còn chưa hiệu quả; tính hợp tác, liên kết chưa cao...
Tiến sỹ Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, cho rằng: Hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động xã hội cơ bản là hòa quyện chung với hệ thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Thúc đẩy khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp tạo tác động tích cực tới xã hội nói riêng, có 3 vấn đề cần quan tâm giải quyết hiệu quả, đó là: "môi trường cho khởi nghiệp, con người có liên quan và tính kết nối”.
Liên quan đến môi trường khởi nghiệp, ông Đàm Quang Thắng, cho biết, Chính phủ đã xây dựng, triển khai, đồng thời đang tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nhân khởi nghiệp. Nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai với các chính sách hỗ trợ DN khởi sự hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, vẫn cần phải đánh giá, nghiên cứu, tổng kết đầy đủ để bổ sung, hoàn thiện để thúc đẩy.
Về con người, cần phải có đội ngũ nhân lực đủ năng lực, kiến thức, được đào tạo, hiểu rõ khởi nghiệp tạo tác động xã hội và các kỹ năng trong xây dựng môi trường khởi nghiệp cũng như trong triển khai hỗ trợ khởi nghiệp. Nâng cao năng lực đào tạo về khởi nghiệp, khởi nghiệp tạo tác động xã hội, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cố vấn và các bên liên quan hỗ trợ khởi nghiệp.
Tăng cường kết nối nguồn lực trong và ngước, kết nối chuyên gia, nhà đầu tư… để hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động xã hội, phát triển và nhân rộng các dự án thành công; xây dựng mạng lưới cộng đồng DN khởi nghiệp tạo tác động xã hội.