Làn sóng đầu tư vào khởi nghiệp
“Kỳ lân” là một thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2013, để mô tả các công ty khởi nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian ngắn, được định giá trên 1 tỷ USD cũng như mô tả sự hiếm có của các công ty này. Có thể nói, trở thành startup kỳ lân là mục tiêu vươn tới của mọi công ty khởi nghiệp. Tại Đông Nam Á, Singapore có 9 startup kỳ lân và Indonesia có 4. Đại diện duy nhất của Việt Nam là VNG chạm ngưỡng tỷ USD vào năm 2014.
Từ đó đến nay, mặc dù Việt Nam chưa có startup công nghệ kỳ lân thứ hai, tuy nhiên hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang cho thấy nhiều tiềm năng phát triển và hứa hẹn một sự bứt phá trong thời gian tới. Theo thống kê, trên thế giới hiện có 326 startup kỳ lân, đa phần là các công ty trong lĩnh vực công nghệ và với các phương thức kinh doanh mới trên nền tảng kinh tế số.
Hơn 200 startup hội tụ tại Techfest 2019 |
Trong khi đó, xét về quy mô, theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), nền kinh tế số ở Việt Nam đã tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Hơn nữa, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam nằm trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất ASEAN.
Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2019, lượng vốn thu hút được từ 29 thương vụ có công bố đã là 751 triệu USD. Trong đó, thương vụ lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính có giá trị lên tới 300 triệu USD, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á.
Tại lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019 (Techfest Vietnam 2019) diễn ra ngày 4/12, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Chu Ngọc Anh - nhấn mạnh: “Quy mô các thương vụ đầu tư lớn ngày càng tăng cho thấy tiềm năng hình thành các kỳ lân mới - các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỷ USD tại Việt Nam là rất thực tế”.
Đồng thời, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo được Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ủy ban, bộ, ngành, địa phương triển khai các kế hoạch cụ thể để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam.
Động lực cho các startup
Có thể nói, trong 3 năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã chứng kiến sự hình thành được hành lang pháp lý cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn; các chính sách thí điểm cũng đang được các bộ, ngành tích cực xây dựng, triển khai.
Chẳng hạn như: Sandbox (khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định) trong lĩnh vực fintech, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa startup tham gia các chương trình huấn luyện tại nước ngoài…
Đồng thời, hệ thống các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong phạm vi cả nước có sự phát triển nhanh về mặt số lượng: 23 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, trong đó có nhiều tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín trên thế giới; 38 vườn ươm khởi nghiệp; trên 170 khu làm việc chung với những thương hiệu đang mở rộng ra thị trường quốc tế.
Cùng với đó là sự lan toả mạnh của hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong toàn quốc và tiếp cận với quốc tế: 52/63 địa phương đã ban hành kế hoạch và bố trí nguồn lực hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, hơn 300 sự kiện về khởi nghiệp sáng tạo được tổ chức trong cả nước, hơn 10 chương trình truyền hình về khởi nghiệp sáng tạo được phát sóng trong cả nước.
Các trường đại học cũng đã hình thành nhiều những trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đặc biệt là một số trường đã đưa môn học về khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình chính thức là cơ sở cho việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo năng lực tốt trong thời gian tới.
Đáng chú ý, số lượng các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh. Hiện có là 61 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó, đã xuất hiện các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam như Quỹ Nghiên cứu ứng dụng VinTech hay Quỹ Next100. Sự vào cuộc của các tập đoàn lớn trong nước là tín hiệu đáng mừng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Theo kế hoạch, trong Dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam muốn có ít nhất 5 công ty công nghệ trị giá hàng tỷ USD vào năm 2025 và 10 công ty vào năm 2030. Hy vọng rằng, cùng với những hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, sự tham gia của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước và sự quyết tâm của startup sẽ góp phần hình thành cộng đồng khởi nghiệp ngày càng lớn mạnh tại Việt Nam.