Sở hữu trí tuệ gia tăng giá trị tài sản cho startup
Sáng 16/5, tại TP. Tam Kỳ, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn trí thức khoa học công nghệ với chủ đề “Sở hữu trí tuệ với sáng tạo khoa học & khởi nghiệp".
Diễn đàn Trí thức khoa học công nghệ Quảng Nam thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các đơn vị làm công tác nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực KHCN |
Sở hữu trí tuệ (SHTT) có vai trò đảm bảo cho môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ kết quả sáng tạo - kỹ thuật; bảo vệ người tiêu dùng, xã hội thông qua việc kiểm soát hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT; gia tăng giá trị cho sản phẩm, dịch vụ, từ đó, gia tăng tài sản vô hình của doanh nghiệp; SHTT cũng khẳng định vị trí độc quyền của sáng chế, nghiên cứu và ghi nhận của xã hội về những nghiên cứu, sáng chế đó.
Theo ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - trong hội nhập quốc tế sâu rộng, SHTT có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của các nước trên thế giới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của việc phát minh sáng tạo khoa học gắn với phát triển doanh nghiệp. Đây là một trong những nội dung quan trọng của FTA song phương và đa phương. Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, Chính phủ cam kết bảo hộ tối đa quyền SHTT, sáng kiến và ý tưởng khởi nghiệp.
Còn tiến sĩ Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT Bộ Khoa học & Công nghệ - cho rằng, hoạt động đăng ký sở hữu công nghiệp có vai trò rất lớn đối với doanh nghiệp và startup, giúp các đối tượng này có lợi thế cạnh tranh so với những sản phẩm cùng loại, cùng phân khúc. SHTT hiện diện trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp nói riêng trong kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và nhãn hiệu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Trần Văn Tân - phát biểu tại diễn đàn |
Đăng ký bảo hộ SHTT tại Quảng Nam chưa thực sự được quan tâm
Mặc dù SHTT có vị trí và vai trò rất quan trọng, hiện hữu trong hoạt động của doanh nghiệp, startup, tuy vậy, hoạt động về đăng ký SHTT vẫn chưa được doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu quan tâm. Năm 2018, Quảng Nam chỉ có 3/1.694 đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 162/37.475 đăng ký nhãn hiệu và chỉ có 1 sáng chế, không có đăng ký giải pháp hữu ích trong khi cả nước có 646 sáng chế và 370 đăng ký giải pháp hữu ích.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Trần Văn Tân - cho rằng, các startup cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề pháp lý trong lĩnh vực SHTT để phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu ổn định trên thị trường. “SHTT luôn là vấn đề thời sự cấp thiết của cả nước và Quảng Nam. Bởi thực tế nhiều tổ chức, cá nhân, nhà khoa học, các nhà phát minh sáng chế, các nhà hoạt động thực tế rất hăng say nghiên cứu sáng tạo, chế tạo phát triển doanh nghiệp nhưng rất ít quan tâm đến SHTT. Đây là vấn đề sống còn của sự phát minh sáng tạo và phát triển doanh nghiệp. Cho nên nhiều sản phẩm có chất lượng rất cao có thương hiệu rất nổi tiếng cả trong và ngoài nước nhưng lại mất trắng quyền SHTT của mình”, ông Tân nói và viện dẫn những “bài học” cho Quảng Nam như rượu Hồng Đào (một doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã đăng ký), hay thương hiệu bê thui, mì quảng chưa có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ….
Song song với đăng ký bảo hộ SHTT, theo nhiều đại biểu tham dự diễn đàn, hiện nay hàm lượng khoa học công nghệ trong các dự án khởi nghiệp của Quảng Nam là chưa nhiều.
Ông Phạm Ngọc Sinh – Tổ trưởng Tổ Công tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam - cho biết, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công hay không phải xem xét đến 3 trụ cột bảo vệ SHTT, đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Quảng Nam đang ưu tiên 4 lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo gồm nông nghiệp dược liệu, du lịch sinh thái, công nghệ thông tin (IT), cơ khí - tự động hóa, tuy vậy, hàm lượng khoa học công nghệ ở các dự án khởi nghiệp ở 4 lĩnh vực này còn thấp, mới dừng ở mức cơ bản.
Tiến sĩ Hồ Tấn Quyền cho rằng, hoạt động nghiên cứu, sáng tạo tại Việt Nam chưa gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp |
Thảo luận tại diễn đàn, tiến sĩ Hồ Tấn Quyền (Sở Khoa học & Công nghệ Quảng Nam) cho biết, hoạt động nghiên cứu, sáng chế tại Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng còn chưa gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Ở các quốc gia mà SHTT phát triển, viện nghiên cứu nằm trong lòng doanh nghiệp, còn ở Việt Nam thì nằm riêng lẻ ở Trung ương. Những doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Vingroup, Thaco,… đều đã chú trọng đến nghiên cứu khoa học để phục vụ sản xuất kinh doanh thông qua các trung tâm R&D”. Ông Quyền cũng cho rằng, hoạt động khuyến khích khởi nghiệp tại Quảng Nam đã được chú trọng triển khai, nhưng các ý tưởng, dự án tham dự các cuộc thi về ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp chưa có hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Phát biểu kết luận diễn đàn, Phó Chủ tịch Trần Văn Tân thẳng thắn nhìn nhận lại những “điểm yếu” về sở hữu trí tuệ còn tồn tại ở Quảng Nam và đề nghị các Sở, ngành, huyện, thành phố trực thuộc chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện quyền bảo hộ SHTT như tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký sở hữu công nghiệp, đăng ký chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu tập thể….