Ung thư phổi và cách phòng tránh Hút thuốc lá gây ung thư phổi như thế nào? |
6 tác nhân chính khiến gia tăng người bị ung thư phổi
Khí radon: Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), nguyên nhân tiếp xúc với khí radon chiếm khoảng 21.000 ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm. Khoảng 2.900 trong số những người chết này xảy ra ở những người không bao giờ hút thuốc. Radon xuất hiện tự nhiên ngoài trời với số lượng vô hại, nhưng đôi khi trở nên tập trung ở những ngôi nhà được xây dựng trên đất với các mỏ uranium tự nhiên.
Nhiều nguyên nhân gây ung thư phổi |
Khói thuốc lá: Mỗi năm, trên thế giới khoảng 7.000 người lớn chết do ung thư phổi do hít phải khói thuốc phụ.
Còn tại Việt Nam, chỉ riêng trong năm 2020 có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong. Con số này xếp vị trí 56/185 trên thế giới và top đầu ở khu vực Đông Nam Á.
Các tác nhân tại nơi làm việc: Đối với một số người, nơi làm việc là nguồn tiếp xúc với chất gây ung thư như amiăng và khí thải diesel (dầu máy).
Ô nhiễm không khí: Từ lâu người ta đã biết, ô nhiễm không khí trong nhà lẫn ngoài trời đều góp phần gây ung thư phổi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại ô nhiễm không khí ngoài trời như một tác nhân gây ung thư (chất gây ung thư).
Đột biến gen: Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về những gì làm cho các tế bào trở thành tế bào ung thư và làm thế nào tế bào ung thư phổi khác nhau giữa những người chưa bao giờ hút thuốc và hút thuốc. Hiểu được sự thay đổi gen làm cho tế bào ung thư phổi phát triển đã giúp nhà nghiên cứu phát triển liệu pháp nhắm trúng đích, các loại thuốc nhắm trúng đích cụ thể những đột biến này.
Khói nấu ăn: Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), khói nấu ăn cũng có thể góp phần tăng tỷ lệ ung thư phổi ở phụ nữ. Phụ nữ nấu ăn bằng than có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 5 lần so với những người không nấu ăn. Ngoài ra, dầu ăn còn dẫn đến sự hình thành các hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs), cũng là một chất gây ung thư.
Dấu hiệu nhận biết sớm và cách điều trị
Chia sẻ của các chuyên gia y tế, dấu hiệu sớm của ung thư phổi rất ít xuất hiện và cũng không có xét nghiệm sàng lọc nào phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán khi ung thư đã tiến triển và di căn trong cơ thể. Do đó, những người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao (đã và đang hút thuốc) được khuyến khích chụp CT phổi liều thấp để sàng lọc ung thư.
ThS.BS Lê Văn Long - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai - chỉ ra 5 triệu chứng mà người mắc hay gặp nhất, gồm:
Một là ho kéo dài không rõ nguyên nhân. Với tất cả trường hợp ho kéo dài trên 2 tuần, đã điều trị nhưng không có hiệu quả.
Hai là ho ra máu là một dấu hiệu nguy hiểm cần phải được phát hiện sớm và xử trí ngay. Thường được mô tả là ho ra đờm nhuốm ít máu đỏ tươi, trong vài ngày liên tiếp, thậm chí số lượng máu tăng dần theo thời gian.
Ba là đau ngực: Đôi khi chỉ đau âm ỉ, đau tăng lên khi ho, thường đau một bên ngực hoặc có thể lan lên vai, lan ra sau lưng.
Bốn là khó thở là triệu chứng khá thường gặp trong ung thư phổi. Mới đầu có thể khi vận động mạnh, leo cầu thang, khi bệnh tiến triển gây khó thở liên tục, ngay cả khi nghỉ ngơi.
Năm là gầy sút cân, mệt mỏi: Đôi khi những người mắc ung thư phổi thường không ho hay đau ngực, chỉ thấy xuất hiện cảm giác chán ăn, ăn không ngon kéo dài, gầy sút từ vài kg tới 5 - 6kg trong 1, 2 tháng.
Ngay khi xuất hiện các triệu chứng ung thư đường hô hấp, bệnh nhân cần đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị sớm. Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe tổng quát, sau đó chỉ định thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng: Chẩn đoán hình ảnh: Một khối u bất thường có thể được nhìn thấy thông qua phim chụp X-quang, MRI, CT và PET; xét nghiệm đờm: Nếu xuất hiện triệu chứng ho có đờm, sẽ tiến hành kiểm tra đờm bằng kính hiển vi. Đây là một trong những phương pháp xác định có tế bào ung thư trong đó hay không.
Cần xét nghiệm để phát hiện sớm nhất bệnh ung thư phổi |
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện sinh thiết nhằm kiểm tra xem khối u ở vị trí này là lành hay ác tính. Sau khi phân tích các mẫu mô, nếu kết quả dương tính với tế bào ung thư, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm thêm các kiểm tra khác, chẳng hạn như chụp xương, siêu âm ổ bụng… nhằm xác định xem ung thư đã lan rộng hay chưa, đang ở giai đoạn nào…
Cách ngăn ngừa ung thư ác tính ở phổi
Giáo sư Ngô Quý Châu – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, không có cách nào để ngăn ngừa ung thư ác tính ở phổi tuyệt đối, nhưng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nếu tránh xa thuốc lá: Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc, đừng thử. Nếu đã hút thuốc trong nhiều năm, hãy ngừng ngay. Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp xúc với khói thuốc bằng cách vận động người thân không hút thuốc, đeo khẩu trang mỗi khi ra đường và tránh đến các khu vực có nhiều người hút thuốc, chẳng hạn như quán bar, nhà hàng, quán cà phê…
Bên cạnh đó, nên kiểm tra mức độ radon trong nhà, đảm bảo luôn ở ngưỡng an toàn. Tránh các chất gây khối u tại nơi làm việc. Nếu phải làm việc trong môi trường có chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư ác tính ở phổi, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình khỏi tiếp xúc với chúng. Những biện pháp này bao gồm đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ…
Có chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả: Việc tuân thủ thực đơn đa dạng các loại rau củ quả, hạn chế thịt đỏ và các loại thịt đã qua chế biến đã được chứng minh làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có bệnh u phổi cấp tính.
Đồng thời nên tập thể dục đều đặn: Nguy cơ mắc bệnh cùng nhiều loại u độc khác sẽ giảm khi vận động thường xuyên. Hãy cố gắng tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày, với bất kỳ hình thức nào: đi bộ, đạp xe, yoga, nhảy dây, bơi lội…
Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu trên thế giới với hơn 2 triệu người mắc mới và hơn 1 triệu người tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, trong số các bệnh nhân nhập viện có đến 62,5% không còn khả năng phẫu thuật. |