Cuộc thi khởi nghiệp với chủ đề “Giải pháp sáng tạo cải thiện tiếp cận cho người khuyết tật” hướng đến việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho cuộc sống tự lập của những người khuyết tật, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật và các Mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, cuộc thi SDG 2019 sẽ tạo ra những hỗ trợ đắc lực góp phần tăng cường sự hòa nhập của người khuyết tật |
Trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ chứng minh rằng các giải pháp công nghệ giúp cho những người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận và hòa nhập xã hội hơn. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này với khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và có mức độ tăng trưởng khởi nghiệp ấn tượng. Song hành cùng sự phát triển đó, ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội (impact startup) với những ý tưởng độc đáo và thu hút quan tâm từ các nhà đầu tư. Việc hỗ trợ những người khuyết tật tham gia vào lực lượng lao động cũng là giải pháp để không lãng phí nguồn nhân lực trong xã hội.
Cuộc thi SDG Challenge 2019 không chỉ mang đến cơ hội cho nhóm người khuyết tật trong xã hội, mà còn góp phần giải quyết những thách thức về phát triển bền vững mà quốc gia đang phải đối mặt liên quan đến ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự gia tăng khoảng cách giữa các nhóm trong xã hội….
Cuộc thi SDG Challenge 2019 mang đến nhiều cơ hội cho nhóm người khuyết tật và các doanh nghiệp của người khuyết tật |
Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, cuộc thi sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của người khuyết tật và cho người khuyết tật.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ - đánh giá cao cuộc thi SDG Challenge 2019: “Đây là một cuộc thi đầy tính nhân văn, tính xã hội, Thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với những người kém may mắn. Những ý nghĩa đó không chỉ từ chính sách, luật lệ mà từ chính trí tuệ của chúng ta, những giải pháp công nghệ sẽ giúp họ tự mình vượt lên khó khăn, cải thiện cuộc sống. Từ đó những gánh nặng gia đình, gánh nặng xã hội sẽ giảm đi rất nhiều. Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia sẽ đồng hành cùng chương trình để tìm ra những giải pháp không chỉ áp dụng được tại Việt Nam mà còn có thể áp dụng tại khu vực ASEAN”.
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - nhận định, các giải pháp công nghệ sẽ là chìa khóa để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận tốt nhất với mọi mặt đời sống |
Cuộc thi SDG Challenge 2019 gồm 3 vòng đánh giá để lựa chọn những sản phẩm tiềm năng nhất. Vòng nhận hồ sơ trực tuyến sẽ được mở đến hết ngày 30/7/2019. Vòng thuyết trình chung kết dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), có khoảng 7% dân số Việt Nam độ tuổi từ 2 trở lên là người khuyết tật, tương đương với con số 6,2 triệu người. Trong khi đó, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chỉ có 30% số người khuyết tật thực sự tham gia vào lực lượng lao động. Đây không chỉ là hạn chế với chính người khuyết tật mà còn là sự lãng phí nguồn lực lao động trong xã hội. Theo tính toán, Việt Nam mất khoảng 3% GDP vì không thể tận dụng được lực lượng lao động là người khuyết tật. |