Thương vụ mang tính bước ngoặt
Chia sẻ về thương vụ mang tính bước ngoặt của mình, ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc MoMo cho biết: “Nguồn lực tài chính và sự hỗ trợ từ Warburg Pincus đã thay đổi “cuộc chơi” cho doanh nghiệp. Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục hợp tác với họ để xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam. Đồng thời sử dụng công nghệ để thúc đẩy tài chính toàn diện và tạo cơ hội để các dịch vụ tài chính kỹ thuật số có thể đến tay bất kể người dùng Việt Nam nào”.
Giao diện ứng dụng MoMo |
Tuy giá trị của thương vụ không được 2 bên tiết lộ nhưng có thể khẳng định, khoản đầu tư mới từ Warburg Pincus đã tạo thành nguồn lực để MoMo mở rộng hệ sinh thái thanh toán và hiện thực hóa mong muốn phát triển hàng triệu điểm chấp nhận thanh toán MoMo trên toàn quốc. Phía Momo cũng xác nhận, khoản đầu tư này là con số cao nhất cho đến hiện tại của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cho lĩnh vực Fintech tại Việt Nam và khoản đầu tư này sẽ tiếp tục được đầu tư vào công nghệ, mở rộng mạng lưới khách hàng và đối tác, tăng điểm chấp nhận MoMo và đầu tư vào nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Tính đến thời điểm hiện tại, MoMo đã tiếp cận gần hàng triệu người dùng và là ứng dụng ví điện tử được đăng ký nhiều nhất trong năm 2018. Khối lượng giao dịch trên nền tảng của MoMo đã tăng hơn 3 lần trong năm vừa qua. Năm 2018, MoMo cũng là công ty công nghệ tài chính (Fintech) duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách Top 100 Fintech thế giới do KPMG công bố.
Tiếp tục hành trình mở rộng hệ sinh thái thanh toán
Có thể nói, trong những năm qua MoMo đã xây dựng một hệ sinh thái đáp ứng hầu hết các nhu cầu thiết yếu của khách hàng với 10.000 đối tác kinh doanh với hầu hết các lĩnh vực trong đời sống như: tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán, giải trí, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải và dịch vụ ăn uống…
MoMo vừa ký xong thỏa thuận hợp tác chiến lược với FPT IS vào tháng 9 vừa qua. |
Trong năm tiếp theo, MoMo có kế hoạch phát triển mở rộng và hợp tác với các đối tác trong nhiều lĩnh vực mới như dịch vụ hành chính công, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Với hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng ví MoMo và mạng lưới 8.000 đại lý trên khắp Việt Nam, MoMo hiện có hơn 10 triệu khách hàng đang sử dụng ví điện tử, đồng thời phục vụ tại quầy và giúp 3,5 triệu khách hàng, cư trú tại các khu vực vùng sâu vùng xa, nơi dịch vụ ngân hàng và điện thoại thông minh vẫn chưa phổ biến, được tiếp cận với các dịch vụ.
Một trong những bước đi đầu tiên trong hành trình mở rộng hệ sinh thái thanh toán của Momo là việc ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT Information System - viết tắt FPT IS) vào tháng 9 vừa qua. Theo đó, hai bên cùng thúc đẩy việc đưa tiện ích thanh toán điện tử Ví MoMo vào các Hệ thống Quản lý Bệnh viện FPT.eHospital và Hệ thống Chính quyền Điện tử FPT.eGov mà FPT IS đang cung cấp. Mô hình này sẽ được thí điểm tại một số bệnh viện, tỉnh thành và sẽ sớm được nhân rộng trên toàn quốc.
Với hợp tác chiến lược này, hàng triệu người dân sẽ có thêm một kênh thanh toán tiện lợi và nhanh chóng hơn khi sử dụng dịch vụ tại các bệnh viện hoặc dịch vụ hành chính công tại các tỉnh/thành phố ứng dụng giải pháp của FPT IS. Ứng dụng Ví MoMo sẽ được tích hợp, kết nối với phần mềm FPT.eHospital và FPT.eGov, bên cạnh các kênh thanh toán hiện có là tiền mặt, chuyển khoản. Về phía bệnh viện và các trung tâm dịch vụ hành chính công, việc có thêm kênh thanh toán tiện ích này giúp giảm tải quá trình thanh toán, nâng cao hiệu suất làm việc và hạn chế được những rủi ro, sai sót.
Thông qua bước ngoặt sau khi gọi vốn thành công của Ví điện tử Momo, có thể khẳng định các quỹ đầu tư không chỉ đơn thuần rót vốn đầu tư vào startup mà còn ‘rót’ vô số hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ tư vấn chiến lược và chiến thuật trong kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh nói riêng, góp phần không nhỏ trong việc lựa chọn hướng phát triển đúng đắn cho doanh nghiệp.
Warburg Pincus là một trong những quỹ private equity đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ tài chính từ năm 1971. Kể từ đó, công ty đã đầu tư hơn 11 tỷ đôla vào hơn 95 công ty tại các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi trong các ngành như ngân hàng, công ty cho vay chuyên biệt, bảo hiểm, quản lý tài sản và tài chính, thanh toán, xử lý lõi hệ thống tài chính, và cho vay phi ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ. Tính đến thời điểm hiện tại, Warburg Pincus đã tham gia đầu tư tại Việt Nam gần 6 năm và đang có ít nhất 4 khoản đầu tư trăm triệu đô cùng hàng trăm khoản đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. |