Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Sian Fitzgerald - Giám đốc điều hành tổ chức HealthBridge Canada - về vấn đề này.
Thưa bà, bà đánh giá gì về sự phát triển của chợ truyền thống trong đô thị Việt Nam hiện nay?
Tạo hệ thống chợ trong đô thị đảm bảo người dân tiếp cận dễ dàng hơn |
Chúng tôi thấy rằng, chợ truyền thống Việt Nam hiện nay có nhiều thay đổi. Chất lượng và số lượng chợ đã và đang giảm đi khá nhiều ở các đô thị. Đây là nguy cơ làm cho thành phần yếu thế trong xã hội như người thu nhập thấp thường xuyên mua bán ở chợ mất đi khả năng tiếp cận với một nguồn thực phẩm, hàng hóa; các tiểu thương kinh doanh ở chợ mất đi cơ hội kinh doanh. Đồng thời, sự sụt giảm này còn làm mất đi giá trị chợ truyền thống của Việt Nam vì không chỉ là nơi mua bán hàng hóa, nhiều khu chợ truyền thống trong đô thị của Việt Nam còn mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử lâu đời.
Bên cạnh đó, mặc dù chợ truyền thống Việt Nam có nhiều thực phẩm tốt, mang lại nguồn thu tốt, song hiện vẫn còn tồn tại các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm hay hạ tầng xuống cấp, đòi hỏi chúng ta cần cải thiện để nâng cao chất lượng phục vụ người dân hơn nữa trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ bản ghi nhớ được ký kết với Bộ Công Thương, Tổ chức HealthBridge Canada sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm hỗ trợ phát triển và quản lý chợ truyền thống trong đô thị tại Việt Nam?
Chúng tôi sẽ tập trung nhiều vào nghiên cứu, góp ý để xây dựng các chính sách phát triển và quản lý chợ truyền thống trong đô thị tại Việt Nam. Cụ thể, chúng tôi cùng với Vụ Thị trường trong nước sẽ triển khai những nghiên cứu sâu hơn về những vấn đề như tiếp cận chất lượng của các chợ, các gian bán hàng; vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn phát triển chợ truyền thống trong đô thị của một số nước; tổ chức hội thảo, hội nghị tham vấn chính sách và truyền thông định hướng chính sách phát triển và quản lý chợ trong đô thị tại Việt Nam. Từ đó, bảo vệ và phát huy vai trò của chợ truyền thống trong đô thị, hướng tới phát triển đô thị bền vững.
Bà Sian Fitzgerald - Giám đốc điều hành tổ chức HealthBridge Canada |
Vậy những kinh nghiệm cụ thể mà bà có thể chia sẻ cho Việt Nam nhằm phát triển tốt hơn chợ truyền thống trong đô thị là gì, thưa bà?
Ở Canada, nếu như thời gian trước đây, chợ truyền thống chưa được quan tâm nhiều lắm và khá xuống cấp thì hiện nay, Chính phủ và người dân đều quan tâm đến lĩnh vực này và chợ truyền thống hiện phát triển rất tốt. Chợ được đặt ở những vị trí đẹp, nhiều sản phẩm hàng hóa, dễ tiếp cận cho người tiêu dùng. Điều này đang khác biệt với Việt Nam khi ở một số đô thị đang xảy ra tình trạng như bạn chia sẻ: Đưa chợ truyền thống xuống hầm các khu trung tâm thương mại, dẫn đến việc người tiêu dùng khó tiếp cận. Hoặc Barcelona (Tây Ban Nha) có chiến lược phát triển chợ rất tốt khi lấy chợ làm tâm điểm của các đô thị. Một số nước khác như Thái Lan, Singapore, Malaysia - những quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam cũng có những mô hình phát triển chợ truyền thống trong đô thị rất đáng học hỏi khi kết hợp mua sắm với du lịch… Trong quá trình hợp tác với Bộ Công Thương, chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ để tìm các phương thức phù hợp với Việt Nam nhằm phát triển chợ trong đô thị tốt hơn trong tương lai. Mục tiêu là làm sao để tạo ra hệ thống chợ trong đô thị đảm bảo người dân tiếp cận dễ dàng hơn, nâng cao chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng, cải thiện kinh tế cho các nhà sản xuất địa phương và các tiểu thương kinh doanh tại chợ.
Mục tiêu của Tổ chức HealthBridge Canada là vậy, song điều đó không thể đạt được nếu như không có các chính sách tốt. Bộ Công Thương là nơi đưa ra chính sách phát triển chợ nên chúng tôi hy vọng rằng, các hoạt động trong khuôn khổ bản ghi nhớ với Bộ Công Thương sẽ góp tiếng nói đưa ra các chính sách tốt hơn nhằm phát triển chợ truyền thống trong đô thị Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!