Long An: Đột kích kho chứa gần 50 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ TP. Hồ Chí Minh: Chấn chỉnh tình trạng quảng cáo “láo” mỹ phẩm |
Tràn lan hàng kém chất lượng và hệ hụy khôn lường
Kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm tràn lan trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội diễn ra từ lâu và ngày càng sôi động, tuy nhiên cơ quan chức năng nhận định rất khó kiểm soát, do không xác định được chủ thể, không có hàng hóa để xử lý vi phạm. Trong khi đó, tại một số địa phương, cơ quan kiểm tra chưa phối hợp chặt chẽ hoặc có lập đoàn kiểm tra liên ngành về mỹ phẩm thường xuyên.
Thực tế, chỉ cần lên google đánh chữ “mỹ phẩm” trong vòng 0,33 giây sẽ cho ra 230.000.000 kết quả, còn “mua mỹ phẩm chính hãng” trong 0,43 giây sẽ cho ra 41.400.000 kết quả. Ngoài ra, những từ khóa “mua mỹ phẩm online”, “mua mỹ phẩm ở đâu”... cũng được nhiều người tìm kiếm.
Kiểm tra và lập biên bản lô hàng mỹ phẩm nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: QLTT Gia Lai |
Tuy nhiên thời gian gần đây, trên phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa tin về các vụ việc xử phạt buôn lậu mỹ phẩm; cơ quan chức năng thường xuyên thu giữ, xử phạt các hành vi buôn bán, sản xuất mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Trong năm 2022, 2023 cũng như hai tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) liên tục thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy nhiều sản phẩm mỹ phẩm trên toàn quốc, do không đảm bảo chất lượng.
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội cũng đã ban hành văn bản gửi các đơn vị trực thuộc; cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy 2 lô mỹ phẩm trên toàn quốc do không đạt chuẩn chất lượng là sản phẩm Prodak Strawberry Soft Facial Mask - Mặt nạ sáng da dâu tây - 30g và sản phẩm có thông tin ghi trên nhãn: Aloe Essence Sheet Mask-50g; SCB: 001326/21/CBMP-HCM.
Nhận định của Tổng cục Quản lý thị trường, thị trường mỹ phẩm ngày càng sôi động, đa dạng, trong khi công tác kiểm tra, xử lý mặt hàng này còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân và một số tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh còn hạn chế. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng chưa cảnh giác với hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo các bác sĩ da liễu, tác hại của mỹ phẩm kém chất lượng không chỉ không đáp ứng được nhu cầu làm đẹp mà nguy hiểm hơn có thể gây ra hậu quả tai hại cho sức khỏe, thẩm mỹ. Trong mỹ phẩm giả, kém chất lượng thường chứa những hóa chất độc hại như formaldehyde, propylene glycol, chì, thủy ngân, kẽm... Khi mới dùng thường gặp phải tình trạng dị ứng, nổi mụn, ngứa ngáy, chàm nám hoặc nhiễm trùng da. Lâu ngày, các chất hóa học sẽ làm bào mòn khiến da mỏng dần. Nếu dùng những sản phẩm có nồng độ chất hóa học cao thời gian dài sẽ gây hoại tử da.
Tăng cường hậu kiểm
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 526/KH-SYT về hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố năm 2024. Đối tượng hậu kiểm là các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, cơ sở công bố mỹ phẩm, cơ sở nhập khẩu mỹ phẩm…
Nội dung hậu kiểm bao gồm: Kiểm tra điều kiện sản xuất mỹ phẩm, việc tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm" của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN) tại những cơ sở sản xuất mỹ phẩm; kiểm tra việc thực hiện ghi nhãn sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường; hồ sơ thông tin sản phẩm; việc thực hiện quy định về thông tin quảng cáo mỹ phẩm; lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng…
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu công tác hậu kiểm phải tuân thủ quy định của pháp luật, công khai, minh bạch… nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.
Trường hợp cơ sở vi phạm nghiêm trọng có thể thu hồi giấy đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã đăng ký tại Sở Y tế.
Trước tình trạng kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm trên mạng Internet, các sàn giao dịch thương mại điện tử và trang mạng xã hội đang khó kiểm soát, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức và cơ sở sản xuất kinh doanh, nhập khẩu mỹ phẩm trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo mỹ phẩm.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đề nghị UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức chỉ đạo các phòng, ban, lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận theo quy định hay quảng cáo mỹ phẩm không phù hợp hoặc vượt quá tính năng, công dụng. Các tổ chức, cá nhân chỉ được phép hoạt động quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thời gian tới có 3 nội dung chính sách lớn trong quản lý mỹ phẩm cần xây dựng và hoàn thiện, đó là: Tăng cường quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm để bảo đảm thống nhất từ Trung ương tới địa phương trong việc xem xét công bố tính năng, công dụng sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN.
Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước thông qua việc áp dụng CGMP - ASEAN về mỹ phẩm và quy định lộ trình thực hiện.
Năm 2023, Cục Quản lý Dược đã kiểm tra hậu mại 343 công ty sản xuất mỹ phẩm. Theo khảo sát đánh giá của EuroMonitor International, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình 6%/năm, dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỷ USD. |