Tập đoàn Dệt May Việt Nam - ưu tiên sử dụng hàng Việt |
Ông Vương Đức Anh- Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Ngành dệt may và Tập đoàn Dệt May Việt Nam vừa trải qua một năm 2022 có nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược, với nhiều bất định của thị trường. Ngay từ những tháng đầu năm, Tập đoàn đã đưa ra các dự báo sớm về những khó khăn sẽ tới trong nửa cuối của năm, nhưng trước những tình huống khó lường xảy ra, cùng với sự đảo chiều nhanh chóng của thị trường, tất cả các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn vẫn bị bất ngờ do thị trường lao dốc theo chiều thẳng đứng.
Năm 2022 với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua là những con số chưa bao giờ xảy ra. Tại Mỹ và EU lạm phát đều lên mức cao lần lượt ở mức 8% và 10%, lãi suất tại các quốc gia, khu vực này đều tăng nhanh và mạnh để kiềm chế lạm phát, đổi lại tăng trưởng GDP suy giảm, quy mô nền kinh tế thu hẹp, giảm việc làm và thu nhập, qua đó gián tiếp tác động đến chi tiêu hàng tiêu dùng trong đó có hàng dệt may.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 |
Đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tại thời điểm 9 tháng năm 2022 lợi nhuận đạt 1.186 tỷ đồng, vượt hơn 24% so với kế hoạch được giao. Tuy nhiên sang tháng 9, tình hình thị trường xấu đi, khiến kết quả hoạt động của một số đơn vị trong Tập đoàn chững lại. Trong bối cảnh nhiều khó khăn “bủa vây”, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn ước đạt mức doanh thu hợp nhất 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6 % kế hoạch.
Để có được kết quả tích cực trong điều kiện thị trường nhiều khó khăn, biến động khó lường, theo ông Vương Đức Anh là nhờ sự linh hoạt, nhạy bén trong công tác dự báo và điều hành của lãnh đạo Tập đoàn cùng sự đóng góp, nỗ lực của các doanh nghiệp và toàn thể đội ngũ cán bộ nhân viên, người lao động trong toàn hệ thống.
Chia sẻ với truyền thông trước đó, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay: Công tác dự báo thị trường đã được Tập đoàn chú trong nhờ đó đã có sự chuẩn bị ứng phó phù hợp trong từng bối cảnh thị trường.
Năm 2022, Tập đoàn đã tổ chức 8 buổi hội thảo về thị trường. Qua đó cập nhật kịp thời công tác dự báo thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, phân tích dữ liệu theo biến động của thị trường tài chính, tiền tệ để các đơn vị thành viên có cơ sở cân nhắc, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn.
Bất chấp khó khăn bủa vây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn đạt lợi nhuận tích cực trong năm 2022 |
Tập đoàn cũng xác định sản phẩm chủ lực thích hợp nhất tại thời điểm này để từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín. Đồng thời tìm mọi biện pháp bảo toàn lực lượng lao động; tăng cường công tác đào tạo nhân lực; tạo năng lực cạnh tranh từ tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả quản trị... bắt nguồn từ đội ngũ nhân lực chất lượng cao và tinh nhuệ.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã và đang thực hiện có hiệu quả 5 mục tiêu kiên định: Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để trở thành một điểm đến cung cấp từ sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các đối tác; thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội, sản xuất xanh; chuyển đổi số và tự động hóa vì đây cũng sẽ là xu thế trong tương lai của các thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu; phát triển nguồn nhân lực và con người để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, kinh tế số và giao dịch số.
“Đây cũng là những giải pháp xuyên suốt, cốt lõi cho cả năm 2023. Nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới được dự báo không mấy tích cực khi tăng trưởng toàn cầu tiếp tục giảm. Trong bối cảnh đó, thị trường dệt may toàn cầu, theo tất cả các kịch bản, đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều những năm qua”, ông Vương Đức Anh nói và cho biết thêm, xác định rõ những khó khăn trước mắt giúp Tập đoàn Dệt May Việt Nam bước đi một cách chủ động hơn, không còn hoang mang trước những “bất định” mà đã sẵn sàng những giải pháp ứng phó với điều kiện sản xuất kinh doanh không tích cực.