Khi hiện vật 'kể chuyện' về vùng đất Hàm Rồng lịch sử
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm vào 20h ngày 3/4/2025 tại Trung tâm hội nghị TP Thanh Hóa. Ngoài lễ kỷ niệm còn có nhiều hoạt động khác gồm: Lễ dâng hoa, dâng hương, lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ; Lễ khánh thành Công viên tưởng niệm các giáo viên, học sinh hy sinh tại đê sông Mã và các công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng; tổ chức cho nhân dân và du khách tham quan các di tích lịch sử cách mạng tại Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng.
Tại Phòng truyền thống - Ban Quản lý Di tích Lịch sử, Văn hóa Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hiện đang lưu giữ, trưng bày hơn 200 tư liệu, hiện vật và hình ảnh về những năm tháng chiến đấu anh dũng tại mặt trận cầu Hàm Rồng. Nơi đây được nhiều du khách tham quan, vừa để tìm hiểu lịch sử vừa hướng về dịp kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3/4/1965 - 3/4/2025).
Bố cục phòng truyền thống được chia thành ba phần chính: Hàm Rồng thắng tích, Hàm Rồng anh hùng và Hàm Rồng đổi mới |
Tại đây, Ban Quản lý Di tích Lịch sử, Văn hóa Hàm Rồng đã chia bố cục phòng truyền thống thành ba phần chính: Hàm Rồng thắng tích, Hàm Rồng anh hùng và Hàm Rồng đổi mới. Mỗi không gian đều sẽ trưng bày những tư liệu, hình ảnh quý giá về vùng đất Hàm Rồng lịch sử, đặc biệt là những chiến công oanh liệt của quân và dân Hàm Rồng.
Bước vào không gian, chúng ta sẽ như được sống tại đúng những thời khắc hào hùng lịch sử với những hiện vật, tư liệu quý giá. Đặc biệt, những kỷ vật tại đây dường như đang kể cho chúng ta về sự hy sinh to lớn, không thể đong đếm của thế hệ đi trước để bảo vệ quê hương, đất nước.
Những kỷ vật quý giá tại đây dường như đang kể lại câu chuyện về vùng đất Hàm Rồng lịch sử |
Theo Ban Quản lý Di tích Lịch sử, Văn hóa Hàm Rồng, những tư liệu, hiện vật và hình ảnh quý giá tại đây đều do cán bộ, các cựu chiến binh, nữ dân quân từng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bỏ nhiều công sức sưu tầm, tìm kiếm.
Ông Lê Xuân Giang (sinh năm 1946, trú tại phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa), nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228 Pháo phòng không (đơn vị từng làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng) cho biết, để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng, các cựu chiến binh đã dành nhiều tháng trời tìm kiếm, sưu tầm và đưa các tư liệu, hiện vật về phòng trưng bày.
Ngoài phục vụ người dân, du khách đến tham quan, ông Lê Xuân Giang mong rằng đây sẽ là nơi thế hệ trẻ có thể tìm hiểu lịch sử, khơi dậy lòng tự hào và tình yêu quê hương, đất nước.
Các tư liệu hiện vật quý giá tại phòng trưng bày được ông Lê Xuân Giang (bìa phải) cùng các cựu chiến binh, cán bộ Ban Quản lý Di tích Lịch sử, Văn hóa Hàm Rồng sưu tầm |
Một số hình ảnh mà phóng viên ghi nhận tại đây:
Nhiều danh hiệu cao quý được sưu tầm và lưu giữ tại Phòng truyền thống - Ban Quản lý Di tích Lịch sử, Văn hóa Hàm Rồng |
Thuyền nan của dân quân Yên Vực chở đạn tiếp tế cho bộ đội trong trận 3,4/4/1965 |
Mảnh vỏ bom Mỹ ném xuống trận địa Lều Vịt năm 1972 |
Kẻng làm bằng vỏ bom Mỹ ném xuống Hàm Rồng được dân quân làng Đông Sơn đặt tại hàng Moong để báo động khi máy bay Mỹ đến năm 1972 |
Vỏ ống pháo sáng của giặc Mỹ |
Nhiều dụng cụ của quân ta trong chiến đấu cũng như của lính Mỹ được trưng bày |
Các tư liệu hiện vật khác như vỏ đạn, điện thoại, ăng–gô được sưu tầm |
Tại đây còn lưu giữ những bức hình quý giá, mãi trường tồn cùng thời gian |
Sa bàn tái hiện lại các vị trí nổi tiếng như Trận địa đồi C4, Đồi Quyết Thắng... |
Trong dịp kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao như: Chương trình nghệ thuật với chủ đề “60 năm Hàm Rồng - Vang mãi khúc tráng ca”; Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Thanh Hóa chào mừng 60 năm Hàm Rồng chiến thắng và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Giải chạy bán Marathon với chủ đề “Hàm Rồng - Dấu ấn lịch sử, bước chân tương lai”. |