Xe tải đâm hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ khiến nhiều người thương vong Hà Nội: Thí điểm thêm “sáng kiến bỏ đèn đỏ để giảm ùn tắc” giao thông Sửa đổi quy định về tín hiệu đèn giao thông từ 1/1/2025 |
Phụ hoạ cho cảnh tượng hô hét, bấm còi loạn xạ giữa những lúc chuyển tín hiệu đèn đỏ giao thông đó là cảnh chèn lấn xô đẩy giành đường cho bằng được cứ y như cảnh mở “đường máu” trong các phim dã sử trên truyền hình. Những ai không chen được lên đầu thì cũng không chịu kém cạnh, bằng mọi cách lao lên vỉa hè, lấn vào mọi ngóc ngách của từng xăng ti mét đường, cũng cốt sao để “dẫn đầu” dòng người chuyển làn.
Đó là những “nốt nhạc” vô định cao trào nhất của bản nhạc giao thông không chủ đề ở Việt Nam, có thể thấy ở bất cứ đâu: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng cả các đô thị lớn khác.
Sự hỗn độn đầy nguy hiểm đó dường như không chỉ dừng ở một, hai khắc đèn đỏ giao thông mà còn tiếp tục lặp lại, tiếp tục ngay sau đó để sự vội vã cốt sao giành được đường của người này là đồng nghĩa sự chậm lại của người khác. Không những thế còn mang lại nguy hiểm cho những người khác đang vượt qua các giao lộ. Một người lên được, những người khác cũng không chịu kém. Và rồi va quệt xảy ra, người ta sẵn sàng xuống xe chửi bới, thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau.
Không rõ từ bao giờ câu cửa miệng “ba xanh thì bỏ, ba đỏ thì đi” đã được nhiều người tham gia giao thông “nằm lòng” để trở thành phương châm tham gia giao thông, rằng đây là điều đã được “tổng kết” (!).
Việc xây dựng thói quen chấp hành luật giao thông cần sự chung tay của tất cả mọi người. (Ảnh minh hoạ) |
Người ta đã hiểu sai hoàn toàn cái vế sau của câu cửa miệng này. 3 cái giây sau cùng của đèn đỏ tín hiệu giao thông cốt là để nhanh chóng đổi trạng thái chuyển trạng thái giao thông chứ hoàn toàn không phải là thứ để truyền cảm hứng tức khắc cho hành vi chen lấn xô đẩy giành đường, càng không phải là để bấm còi “thị uy” thay cho việc duy trì tâm thế điềm tĩnh trong tham gia giao thông, tôn trọng và chấp hành luật giao thông đường bộ.
Thậm chí cái vế “ba đỏ thì đi” này còn được đưa ra làm lý do cho ý định bỏ đèn tín hiệu giao thông đếm ngược ở các giao lộ với hy vọng sẽ bớt đi cảnh chen lấn giành từng tấc đường.
Cái cảnh “ba đỏ thì đi” này không chỉ khiến cho các nỗ lực xây dựng ý thức tham gia giao thông gần như có nguy cơ trở lại điểm xuất phát mà còn làm xấu thêm, trầm trọng thêm hình ảnh văn minh không chỉ của Hà Nội mà còn cả ở các đô thị lớn khác.
Người Hà Nội dù dị ứng nhưng đành phải sống chung với cảnh chen lấn đã đành, nhưng với du khách nhất là du khách nước ngoài kiên nhẫn chờ đèn đỏ thì hình ảnh của một thủ đô văn minh được quảng bám bỗng chốc sụp đổ ngay trước mặt họ. Để nhường chỗ cho trải nghiệm với họ về một thứ "nguy hiểm nhất thế giới", vốn đã từng được cảnh báo.
Thủ đô Hà Nội lâu nay đã bỏ ra không ít công sức, vật lực để xây dựng hình ảnh một thủ đô văn minh. Văn minh không phải là cái gì cao xa mà nó phải đi lên từ văn hoá, được củng cố, bồi đắp từ văn hoá. Muốn có văn minh giao thông trước hết phải có văn hoá giao thông. Văn hoá giao thông nếu có cái gì đó cần và đủ chính là ý thức của người tham gia giao thông mà bao giờ cũng vậy đi lên từ ý thức nhường đường cho cộng đồng. Cái nhường nhịn ấy xét cho cùng chẳng có ai bị thiệt thòi gì cả trong khi cả cộng đồng được lợi. Lợi trước mắt và cả lợi dài lâu.
Nhưng ai sẽ là người đầu tiên sẵn sàng chịu nhường đường?