Ban tổ chức và khách mời lễ ra mắt Dự án Khát vọng sáng |
Bà Lê Nhật Thùy, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ từ thiện Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam) phát biểu tại Lễ ra mắt Dự án Khát vọng sáng (bảo vệ, chăm sóc mắt và hỗ trợ người khiến thị) tổ chức sáng ngày 30/11 tại TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều người khiếm thị cần được trợ giúp
Dự án Khát vọng sáng, do Kênh Y tế và Sức khỏe (ytvn.vn) phối hợp với Hội đồng bảo trợ Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và Quỹ hỗ trợ từ thiện C.P. Việt Nam thành lập. “ Dự án ra đời với mong muốn hướng dẫn người dân cách chăm sóc và bảo vệ mắt; hỗ trợ, giúp đỡ người có bệnh lý về mắt và người khiếm thị; kêu gọi tinh thần nhân ái, sẻ chia và tuyên truyền về việc hiến ghép giác mạc đến cộng đồng”, bà Lê Nhật Thùy nói.
Tại buỗi lễ ra mắt dự án, bác sỹ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt Việt Nam cho biết, thế giới hiện có khoảng 39 triệu người mù. Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù và cứ 1 phút có thêm 1 trẻ bị mù, trong đó 90% người mù sống ở các nước nghèo, trong đó có nước ta. Việt Nam hiện có khoảng 3 triệu người mù và người có thị lực kém, trong đó 1/3 bệnh nhân là những người nghèo không có tiền điều trị, 83% tỷ lệ người mù được cho là có thể phòng chữa được và mỗi năm số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người.
Theo bác sỹ Hoàng, Việt Nam hiện có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc. Từ năm 2007 đến nay, cả nước có trên 35.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 494 người tặng giác mạc sau khi qua đời thuộc 15 tỉnh thành. Tuy nhiên, danh sách chờ ghép giác mạc của Bệnh viện Mắt Trung ương hiện nay có tới hơn 1.000 người và tăng 300 người mỗi năm. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 200 ca nhận được cơ hội phẫu thuật ghép giác mạc vì số thực tế giác mạc lấy được rất ít ỏi.
Hiện tại, số người thực sự hiểu, quan tâm đến việc hiến giác mạc còn quá ít, nguyên nhân do còn rất nhiều người định kiến về việc mất đi không nguyên vẹn còn quá nặng nề. “ Giác mạc là chiếc màng mỏng trong suốt che trước tròng đen, việc hiến giác mạc được thực hiện rất nhẹ nhàng và không ảnh hưởng đến cơ thể người đã mất. Một người hiến giác mạc thì có một đến hai người mù tìm được ánh sáng”, bác sỹ Hoàng chia sẻ.
Nhiều em học sinh khiếm thị Mái ấm Nhật Hồng hy vọng Dự án Khát vọng sáng sẽ mang lại ánh sáng cho các em trong thời gian sớm nhất |
Lan tỏa tình yêu thương
Câu chuyện về bé Hải An chỉ mới 7 tuổi nhưng đã hiến giác mạc sau khi qua đời vì trọng bệnh. Nghĩa cử cao đẹp của Hải An đã đem lại ánh sáng cho 2 người khác.Màn hình thuật lại hình ảnh và câu nói để đời của bé Hải An trước khi mất: “Con muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác” đã từng làm thức tỉnh hàng triệu người đã làm cho nhiều người dự lễ ra mắt Dự án Khát vọng sáng ướt lệ vì xúc động .
Chị Nguyễn Trần Thùy Dương, mẹ của Hải An tham dự buổi Lễ ra mắt dự án mong muốn câu chuyện về con gái của mình sẽ giúp mọi người thay đổi cái nhìn về việc hiến giác mạc.Từ đó, mọi người chung tay hơn nữa để giúp đỡ những bệnh nhân vượt qua mọi khó khăn. “Hãy ban tặng sự sống sau cái chết để chính mình vẫn còn sống, vẫn có thể tồn tại theo một cách đặc biệt”, chị Thùy Dương mong ước như vậy.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Phó Chủ tịch Hội đồng bảo trợ TW Hội Chữ thập đỏ, Giám đốc Kênh y tế và sức khoẻ đồng thời là đơn vị sáng lập và điều hành Dự án Khát vọng sáng cho biết, mục tiêu trước mắt của dự án là tuyên truyền trực tiếp, tư vấn cho 1 triệu lượt người về chăm sóc mắt và hiến tặng giác mạc. Vận động khoảng 100.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc; huy động các nguồn lực xã hội tặng 10.000 suất quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức khám, chữa, phẫu thuật cho 1.000 bệnh nhân có bệnh lý về giác mạc có hoàn cảnh khó khăn. Đây sẽ là dự án mà Kênh y tế và sức khoẻ đồng hành cùng người khiếm thị. Theo ông Khởi, trong năm 2019, Kênh y tế và sức khoẻ cũng sẽ đồng hành cùng chiến dịch Hành Trình Đỏ, Vì bệnh nhân nghèo để lan tỏa và sẻ chia tinh thần nhân ái đến với nhiều người hơn.
Bà Lê Nhật Thùy cho hay, sau 25 năm thành lập, ngoài hưởng ứng và tham gia tài trợ cho các chương trình như thầy Thuốc trẻ Việt Nam, Hành Trình Đỏ…C.P. Việt Nam còn tham gia hỗ trợ nhu yếu phẩm, thuốc men, cung cấp suất ăn, máy nghe nhạc, tặng gậy cho nhiều người khiếm thị.
Sau khi Dự án Khát vọng sáng được triển khai, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho các cán bộ nhân viên của C.P Việt Nam về cách chăm sóc, bảo vệ mắt; hướng dẫn cách chăm sóc và giao tiếp với người khiếm thị; tổ chức chuyến xe ánh sáng chở các y bác sỹ đến những vùng khó khăn để khám và tư vấn mắt nhiều nơi trên cả nước Từ đó giúp mọi người biết chăm sóc và bảo vệ mắt đúng cách; hiểu và cảm thông hơn với người khiếm thị.Đồng thời, hướng dẫn và kết nối cho các cán bộ nhân viên C.P Việt Nam đăng ký hiến tặng giác mạc.
“ Mong rằng dự án sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân về việc hiến tặng giác mạc để mang lại ánh sáng cho người không may mắc bệnh về mắt. Đồng thời, chúng tôi sẽ vận động hơn nữa các cán bộ và nhân viên của công ty tham gia vào tất cả hoạt động của dự án và C.P Việt Nam sẽ luôn là đơn vị đồng hành, tham gia xuyên suốt cùng dự án này”, bà Thùy cam kết.