Du lịch Khánh Hoà thu hơn 877,5 tỷ đồng dịp Tết Dòng xe "nối đuôi nhau" đến các điểm du lịch ở Nha Trang Nha Trang đón tàu biển quốc tế thứ 10 trong năm 2024 |
Hơn 343 tỷ đồng dự trữ hàng hóa dịp Tết
Trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà đã bắt đầu chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân với lượng dự trữ tăng lên từ 30 – 60% so với ngày thường tùy từng mặt hàng; tổng giá trị dự trữ hơn 343 tỷ đồng.
Trong đó, hàng hóa dự trữ vẫn tập trung vào các nhóm hàng hóa thiết yếu như: Thực phẩm tươi sống, trái cây, nước giải khát, gạo, đường, mắm, dầu ăn, bột ngọt, bánh, mứt, kẹo,... Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, các siêu thị đã chủ động làm việc với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp nhằm chuẩn bị lượng hàng đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng, ổn định thị trường trong dịp Tết.
Thị trường hàng hoá dịp Tết trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà dồi dào, phong phú. |
Đơn cử như Siêu thị Co.opMart Nha Trang dự trữ hàng hóa với giá trị khoảng hơn 30 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart Cam Ranh khoảng 34,5 tỷ đồng; Siêu thị Lotte Mart Nha Trang khoảng hơn 30 tỷ đồng; Siêu thị MM Mega Market khoảng 37 tỷ đồng; Siêu thị GO khoảng 124 tỷ đồng;… Ngoài ra, các hệ thống cửa hàng tiện lợi như Bách Hóa Xanh (37 cửa hàng), Winmart+ (25 cửa hàng) phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh đều chuẩn bị nguồn cung ứng và dự trữ hàng hóa đa dạng, phong phú phục vụ nhu cầu người dân.
“Các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo Tết của Trung ương và tỉnh Khánh Hòa, đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”, bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa - nhìn nhận.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà, nguồn hàng thịt gia súc, gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh ổn định. Năm nay, toàn tỉnh có 3.817 con trâu, 64.056 con bò, 322,53 nghìn con lợn, 2,49 triệu con gà, do các công ty, trại chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học thực hiện tái đàn mạnh sau khi xuất bán nhằm đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu cung, đẩy giá lên cao.
Theo Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh tại Nha Trang, đợt cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán từ ngày 26/1 đến 8/2 (tức 11-29 tháng Giêng), Công ty cung cấp ra thị trường Khánh Hòa khoảng 12.600 con heo thịt, bình quân 900 con/ngày (tăng 45% so với ngày thường), gà 56.000 con, bình quân 4.000 con/ngày (tăng 30%); trứng 420.000 quả, bình quân 30.000 quả/ngày (tăng 20%).
Không có tình trạng tăng giá bất hợp lý
Theo bà Phan Thị Thu Cúc, giá cả của một số mặt hàng hải sản tươi sống, thịt, trái cây có biến động tăng nhẹ từ 10 – 20% những ngày sát Tết và đầu năm do nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Riêng mặt hàng hoa cảnh, hoa cúng, dưa hấu có biến động giảm từ 30 - 50% vào những ngày 29, 30 tháng Chạp so với những ngày cận Tết trước đó.
Một số mặt hàng hải sản tươi sống, thịt, trái cây có biến động tăng nhẹ. |
Cụ thể như ngày thường, gà ta khoảng 100.000 đồng/kg, những ngày cận Tết tăng 10.000 đồng/kg; cá thu tăng 50.000 đồng/kg (từ 250.000 đồng lên 300.000 đồng /kg); tôm biển tăng 20.000 đồng/kg (từ 250.000 đồng lên 270.000 đồng/kg); thịt heo sườn non tăng 20.000 đồng/kg (từ 160.000 đồng lên 180.000 đồng/kg); mãng cầu tăng 10.000-20.000 đồng/kg (từ 60.000 đồng lên 70.000-80.000 đồng/kg); dưa hấu giảm 5.000-10.000 đồng/kg (từ 10.000-25.000 đồng/kg xuống 5.000-15.000 đồng/kg)...
Đặc biệt, công tác phục vụ Tết cho người dân khu vực miền núi khá tốt. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã chủ động dự trữ hàng hóa, đảm bảo về số lượng và chất lượng để phục vụ Tết cho bà con.
Hiện huyện Khánh Vĩnh có khoảng 200 cửa hàng, huyện Khánh Sơn có 137 cửa hàng với quy mô vừa và nhỏ vụ phục nhu cầu mua sắm của người dân. Trước Tết, Siêu thị Co.opMart Nha Trang cũng tổ chức bán hàng lưu động tại xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh vào ngày 14 tháng Chạp (ngày 24/1).
Từ ngày 20 tháng Chạp, nhu cầu mua sắm của người dân bắt đầu tăng hơn so với ngày thường; vào các ngày sát Tết, tại các siêu thị, trung tâm thương mại sức mua tăng khoảng 3 - 4 lần; các chợ sức mua tăng 30 - 50%. Các trung tâm thương mại, siêu thị triển khai nhiều chương trình bình ổn giá, chương trình khuyến mại, tập trung ở nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, tươi sống, thu hút đông khách hàng tham quan, mua sắm.
Đa số các siêu thị kinh doanh đến trưa ngày 30 tháng Chạp và hoạt động lại từ mùng 2 đến mùng 6 Tết âm lịch. Tiểu thương kinh doanh tại các chợ hạng 1, nghỉ bán từ trưa ngày 30 tháng Chạp và bắt đầu hoạt động lại từ mùng 2 Tết (chủ yếu bán một số mặt hàng rau quả, thực phẩm tươi sống), đa số tiểu thương tập trung mở cửa bán lại vào sáng mùng 4 Tết.