Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - bà Lê Thị Thu Hằng - cho biết, đây là lần thứ 4 trong vòng 10 năm, Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 khẳng định chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín và vị thế của Việt Nam, một đối tác tin cậy, có trách nhiệm đối với hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực.
Vốn ODA Nhật Bản được phân bổ vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế |
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể nhằm chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng hợp tác và nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, vì một hành tinh xanh, một thế giới hòa bình cùng phát triển thịnh vượng. Đồng thời, trong thời gian tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số nước.
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20, Hội nghị Quan chức cao cấp (Sherpa) lần thứ nhất đã được tổ chức tại Nhật Bản. Tại hội nghị này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh về sự cần thiết tăng cường phối hợp chính sách bảo đảm ổn định kinh tế toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên cơ sở luật lệ. Đặc biệt, khẳng định Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực tham gia và thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu; cùng các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp định quan trọng này; phối hợp chặt chẽ với EU thúc đẩy sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Về chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Hai nước phối hợp chặt chẽ trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực. “Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, tăng cường sự phối hợp của hai nước trên các diễn đàn khu vực và quốc tế”- bà Hằng nhấn mạnh.
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973, trong hơn 45 năm qua quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, về quan hệ kinh tế, hiện nay, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong đó kể từ khi mở lại viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam năm 1992, Nhật Bản đã trở thành nhà tài trợ lớn nhất, chiếm hơn 1/3 tổng viện trợ ODA cho Việt Nam với số vốn cam kết khoảng 30,5 tỷ USD.
Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam và 70% trong số đó tiếp tục có ý định mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hai nước còn tích cực thúc đẩy giao lưu nhân dân, đào tạo nguồn nhân lực. Tính đến nay, số người Việt Nam sang học tập, làm việc và sinh sống tại Nhật Bản đạt hơn 260.000 người, tăng gần 4 lần trong 5 năm gần đây, trở thành cộng đồng nước ngoài lớn thứ 5 tại Nhật Bản...