Tiềm năng, thế mạnh của lòng hồ thủy điện Sơn La rất lớn |
Con thuyền rẽ nước đưa du khách ra khơi, lòng hồ dần hiện lên mênh mông, hoang sơ, tuyệt đẹp. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này bức tranh phong thủy hữu tình làm mê hồn du khách. Xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao sừng sững. Cánh rừng cũ và mới đan xen với màu xanh ngút ngàn, những bản làng tuyệt đẹp nằm rải rác ven hồ. Du khách có thể thỏa sức chiêm ngưỡng mặt nước hồ trong xanh, mải mê ngắm những con sóng nhỏ lăn tăn đuổi nhau mãi không biết chán. Trên đường đi du khách thấy hàng nghìn lồng cá, vó bè, phương tiện đánh bắt cá thường xuyên hoạt động cho thấy sức sống sôi động, mạnh mẽ ở nơi đây.
Bến thuyền chở khách du lịch |
Cầu Pá Uôn, cây cầu cao nhất Việt Nam đã hiện ra trước mắt. Thuyền lướt nhẹ đưa du khách đi một vòng ngắm cây cầu kỳ vĩ từ dưới mặt hồ, lượn qua các đảo nhỏ lô nhô. Đến giữa lòng hồ, nơi tiếp giáp ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, người dân vẫn gọi là Huổi Sói, những ngọn núi đá vôi cao sừng sững mở ra một vùng nước non hùng vĩ, đẹp đến lạ lùng. Để làm nên vẻ đẹp ấy, dưới lòng hồ này hàng chục nghìn hộ dân của ba tỉnh đã thực hiện một cuộc di dời đầy hy sinh gian khó, vì dòng điện của Tổ quốc.
Dịch vụ thuyền chở khách giữa các thôn bản ven hồ |
Từ khi hình thành lòng hồ, người dân ở đây có thêm nghề đánh bắt cá. Những ngư dân làm nghề lâu năm tại lòng hồ cho biết: Khoảng hai đến ba năm đầu mới tích nước, cá ở đây nhiều vô kể, có hộ dân dùng vó bè một đêm thu vài ba tạ cá, tôm. Bến thuyền Chiềng Ơn ngày ngày thu mua, trao đổi hàng chục tấn cá, tôm đưa về xuôi tiêu thụ.
Bản làng tái định cư ven hồ thủy điện Sơn La gắn với phát triển rừng |
Đánh bắt thủy sản tự nhiên |
Đất lành chim đậu, có những người dân như bà Phạm Thị Liên nhà ở tận tỉnh Yên Bái cũng đến đây để lập nghiệp. Bà Liên chia sẻ, tôi đến đây đã được 6 năm. Những năm đầu bà phải thuê đất làm lán để ở cho tiện việc thu mua tôm cá của ngư dân đánh bắt dưới lòng hồ. Nhờ việc thu mua thuận tiện, năm 2014 bà đã mua được một mảnh đất gần bến Chiềng Ơn và xây dựng một cơ ngơi thu mua chế biến tôm cá khô.
Mô hình nuôi trồng thủy sản của người dân ven hồ |
Hiện nay lượng cá, tôm đã giảm, đánh bắt tự nhiên không dễ, bà con chuyển dần sang nuôi cá lồng và những nghề gắn với thế mạnh lòng hồ. Được biết, việc nuôi cá lồng ở đây rất thuận lợi, bởi môi trường nước sạch, phù hợp với nhiều loại cá, thức ăn cho cá rất dễ kiếm, như lá chuối, ngô, sắn, cỏ voi.... Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ phát triển giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo. Nhiều bà con đã thành lập hợp tác xã nuôi cá lồng với số lượng hàng trăm lồng.
Cá nuôi theo tiêu chuẩn VietGap |
Nằm ngay chân cầu Pá Uôn, HTX Hợp Lực có quy mô trên 200 lồng cá, gồm các loại: cá lăng đen, lăng hoa, trê, trắm, chép, diêu hồng, rô phi, nheo với sản lượng hơn 100 tấn/năm. Ông Nguyễn Hữu Lễ, thành viên HTX Hợp Lực cho biết: Hiện, HTX đã được chứng nhận nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGap. Cá nuôi lòng hồ được cho ăn cá con tự nhiên lại được nuôi trong hồ sạch, sâu cho nên thịt cá rất thơm và chắc.
Chế biến tôm cá khô lòng hồ |
Về định hướng lâu dài việc nuôi cá trên lòng hồ, ông Lễ bật mí: Hiện mới mở được thị trường Sơn La, Điện Biên sắp tới sẽ xây dựng thương hiệu cá lòng hồ mở rộng thị trường hơn nữa để cung cấp cá cho các tỉnh miền xuôi đồng thời tạo thêm việc làm cho bà con ở khu vực lòng hồ. Bên cạnh việc nuôi cá lòng hồ, HTX Hợp Lực còn kết hợp làm du lịch bằng việc tạo điều kiện cho du khách đến tham quan học hỏi và câu cá thư giãn.
Cần có sản phẩm đặc trưng của lòng hồ để hút khách du lịch |
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả và bền vững tiềm năng thế mạnh lòng hồ cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành cũng như chính quyền và người dân nơi đây. Trong đó việc khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản tại lòng hồ cần thực hiện tốt nhằm duy trì và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, việc khai thác du lịch trên lòng hồ thủy điện Sơn La vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ chưa tương xứng với tiềm năng. Thiết nghĩ, thời gian tới, chính quyền và người dân cần phối hợp để làm tốt hơn các dịch vụ và tạo nên những sản phẩm đặc trưng du lịch của lòng hồ.