Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Dưới sự chủ trì của UBND tỉnh Thái Bình và Bộ Công Thương, Báo Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển thương mại dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp” nhằm đánh giá vai trò, vị trí cũng như nhận diện các cơ hội, thách thức và đưa ra các giải pháp về phát triển kinh tế, thương mại của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (Vùng KTTĐBB). Hội thảo có sự tham gia của đại diện Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế và hơn 400 doanh nghiệp…
Vùng KTTĐBB gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, đều là những tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thương mại. Phát triển thương mại Vùng KTTĐBB có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, thương mại của miền Bắc cũng như đối với cả nước.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo |
Chia sẻ cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Vùng kinh tế Bắc bộ (bao gồm 25 tỉnh, thành phố phía Bắc tỉnh Thanh Hóa) năm 2018 đạt 1.197,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,84% so với năm 2017, chiếm 27,1% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước (trong đó: TP. Hà Nội đạt 469,5 nghìn tỷ đồng, Hải Phòng đạt 116,5 nghìn tỷ đồng, Quảng Ninh đạt 85,7 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 5 năm (2014-2018), tổng mức bán lẻ của vùng Bắc bộ tăng bình quân 10,87%. Một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn… đã trở thành hạt nhân phát triển kinh tế của vùng. Tuy nhiên, xét về tổng thể sự phát triển thương mại, dịch vụ của vùng Bắc bộ còn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tình hình kinh tế - xã hội vùng còn không ít tồn tại, khó khăn: Thương mại, dịch vụ hiện đang là ngành mũi nhọn và đóng góp lớn vào kinh tế của vùng, song tốc độ tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững, đặc biệt là trong phát triển dịch vụ chất lượng cao. Mặc dù hạ tầng thương mại phát triển với sự tăng nhanh của các loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, làm thay đổi diện mạo ngành thương mại của vùng và của cả nước nói chung, nhưng các loại hình hạ tầng thương mại này lại phân bố không đồng đều.
Toàn vùng Bắc bộ hiện có 80 trung tâm thương mại và 377 siêu thị, nhưng các siêu thị và trung tâm thương mại tập trung chủ yếu tại các thành phố, khu đô thị. Tại các vùng nông thôn, chợ vẫn là loại hình thương mại chủ yếu. Tính đến ngày 31/12/2018, tổng số chợ trong quy hoạch khu vực Bắc bộ là 3.360 chợ, chiếm khoảng 39,1% tổng số chợ của cả nước (cả nước có 8.475 chợ). Mạng lưới chợ hiện nay ở một số nơi đã xuống cấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của dân cư.
Trong khu vực công nghiệp, đã có một số nhà máy chế tạo công nghệ cao song đóng góp của khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, logistics phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa tạo sự lan toả. Hiện 65% vốn FDI vẫn tập trung vào những ngành nghề có ưu đãi đầu tư nhiều, chi phí nhân công rẻ.
Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước nói chung và các doanh nghiệp thuộc khu vực Bắc bộ nói riêng còn lỏng lẻo, chưa tạo được tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, cũng như kinh tế đất nước. Nguyên nhân là do sự liên kết giữa các địa phương trong vùng chủ yếu còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất; cơ chế, chính sách phát triển vùng còn nhiều bất cập, thiếu tính đột phá, chưa giải quyết được các vấn đề phát triển chung của vùng, nhất là về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, chi phí thủ tục hành chính của vùng còn cao so với mặt bằng chung của cả nước và so với các vùng khác…
Ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, phát triển thương mại, dịch vụ, liên kết vùng trong tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư từ nhiều năm nay thông qua việc ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, đầu tư và triển khai thực hiện…. Liên kết vùng nhằm tạo ra các mũi nhọn, các cực tăng trưởng đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và mỗi địa phương; hỗ trợ các vùng miền khó khăn, kém phát triển, yếu về lợi thế so sánh; hoàn thiện quy hoạch phát triển vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu |
“Liên kết vùng là biện pháp khắc phục cơ cấu kinh tế “khép kín” của địa phương và khai thác tối đa nguồn lực của xã hội, đồng thời giải quyết những vấn đề cấp bách đối với cấp vùng hiện nay mà từng địa phương không thể giải quyết được một cách hiệu quả” - ông Nguyễn Khắc Thận nói và bày tỏ, do sự liên kết còn chưa chặt chẽ nên việc xây dựng chuỗi giá trị gia tăng còn hạn chế. Việc hạn chế trong hình thành mối liên kết vùng dẫn đến hạn chế trong việc tạo vùng nguyên liệu, thu hút các nhà đầu tư, thực hiện các dự án quy mô lớn, công nghiệp hiện đại. Đặc biệt, là hạn chế trong việc nghiên cứu, dự báo xu thế phát triển, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra.
Đồng quan điểm, ông Võ Thành Thống - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; các chỉ đạo, kế hoạch phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ… Vùng KTTĐBB là trung tâm chính trị, xã hội của cả nước và là vùng kinh tế quan trọng của miền Bắc.
Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội thảo |
Trong đó, Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng tạo thành tam giác phát triển của cả khu vực, đầu mối quan trọng trong kết nối vùng… góp phần đưa vùng vươn tầm, phát triển nhanh chóng, bền vững. Thời gian qua kinh tế của vùng đã đạt những thành tựu về phát triển kinh tế ấn tượng, trong đó, nổi bật ở thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển thương mại, dịch vụ, liên kết vùng trong thời gian vừa qua cũng đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Cụ thể chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế, giải quyết những vấn đề có tính chất liên tỉnh, liên vùng.
Thắt chặt liên kết, hợp tác
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Việt Nam đã và đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, sẽ tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta nói chung và của vùng nói riêng. Hàng hóa của vùng có cơ hội thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy thương mại vùng phát triển.
Với đặc thù là một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, được xác định là vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội và thương mại của cả nước nói chung và của các vùng khác nói riêng, nên phát triển thương mại của vùng trong thời gian tới cũng gặp nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh và đặc biệt là không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước về thị trường trong nước sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ chính để phát triển thương mại, dịch vụ vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cụ thể như sau: Thực hiện tốt Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo đó, xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng chính sách và áp dụng các biện pháp thích hợp để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, tiếp tục hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về khu vực nông thôn nhằm quảng bá, giới thiệu cung cấp các mặt hàng thiết yếu do Việt Nam sản xuất phục vụ nhân dân địa phương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng tại các vùng có điều kiện khó khăn này…
Ông Bùi Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình - cho hay, một trong những giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ những khó khăn, thách thức nhằm thúc đẩy phát triển thương mại hiện nay là công tác xúc tiến thương mại cần có chuyển biến tích cực theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn như cách thức tiếp cận thị trường với hình thức xúc tiến thương mại qua môi trường thương mại điện tử, các chia sẻ về cách tiếp cận mới trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu, trong đó khuyến khích sự chuyển biến về tư duy và hành động của doanh nghiệp theo mô hình xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu trung và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số…
“Trước yêu cầu đòi hỏi đối với hoạt động xúc tiến trong giai đoạn này, chúng tôi nhận thấy hơn lúc nào hết cần phải đẩy mạnh hơn nữa mối liên kết, sự hợp tác giữa các trung tâm xúc tiến thương mại của các địa phương với nhau, đặc biệt là việc liên kết thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại giữa các địa phương trong khu vực Duyên Hải, đồng bằng Bắc bộ để các hoạt động xúc tiến thương mại trở thành công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp” - ông Bùi Đức Hạnh nói.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, Lĩnh vực du lịch, thương mại và dịch vụ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Do đó tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo mọi điều kiện để phát triển thương mại du lịch dịch vụ, đặc biệt trong mối quan hệ, liên kết vùng.
Cụ thể: Đa dạng hóa, huy động và sử dụng các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu; Cơ chế chính sách về xúc tiến thương mại, du lịch được quan tâm; Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh rộng rãi trên nhiều thị trường; Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành trong cả nước về kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại và du lịch.
"Tuy nhiên để kết nối và phát triển thương mại dịch vụ, du lịch được thành công, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, cần sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm, thương mại, dịch vụ, du lịch" - bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ thêm.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải (ngồi giữa) cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương và chuyên gia giải đáp nhiều vấn đề doanh nghiệp quan tâm |
Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc bày tỏ, cần xây dựng, mở rộng chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong việc xâu kết toàn bộ chuỗi cung ứng. Để có được chuỗi cung ứng hiệu quả, mang lại lợi nhuận và khả năng cạnh tranh cao, tỉnh cần tìm kiếm sự tham gia của các doanh nghiệp đủ năng lực và tâm huyết; doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, đặt hàng đối với nông dân, HTX về chủng loại, số lượng, chất lượng và tổ chức phân phối. Bên cạnh đó, các sở, ngành cần hỗ trợ cho nông dân, đa dạng hóa đầu ra trong việc kết nối cung cấp nông sản cho cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khách sạn…
PGS.TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, thương mại hiện nay hòa quyện với quá trình sản xuất và tiêu dùng, dịch vụ, không còn chỉ là khâu trung gian nối sản xuất với tiêu dùng. Bên cạnh đó, cách nhìn về xúc tiến thương mại, thị trường bây giờ không chỉ bó hẹp ở Thái Bình hay Việt Nam, mà còn là thế giới; đối tác không chỉ là người tiêu dùng, địa phương, xuất khẩu mà còn cả nhập khẩu. Bộ Công Thương, các tỉnh hãy nhìn về liên kết và hãy bắt đầu nhìn từ cách làm ăn của doanh nghiệp, thị trường và cách hỗ trợ trong một thế giới đổi thay như hiện nay. Muốn đi nhanh phải đi với thị trường và những xu thế mới.
Tỉnh nào cũng có lợi thế so sánh thương mại riêng, nhưng muốn tham gia vào “cuộc chơi” toàn cầu, cần lưu ý đảm bảo quy tắc xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật, sản xuất phải tối ưu hóa, kết nối hệ thống phân phối, nhìn nhận đầy đủ các biến số thị trường (thị hiếu, thu nhập, tỷ giá…), giảm chi phí logistics và chú ý đến sự lên ngôi của thương mại số. “Với công nghệ hiện nay, xa rồi câu khẩu hiệu, thị trường cần cái gì thì bán cái đó, điều này chỉ đúng một nửa, nghĩa là không chỉ bán cái thị trường cần, mà phải biết cả tạo dựng cả thị trường, điều này khuyến khích sự sáng tạo” - PGS.TS Võ Trí Thành nói.
Trong phần trao đổi, thảo luận, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng các diễn giả đã trả lời trực tiếp nhiều vấn đề doanh nghiệp quan tâm về công tác xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa vào các kênh phân phối của doanh nghiệp, tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa… Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, về hoạt động xúc tiến thương mại, hiện nay, chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Do đó, hàng hóa của chúng ta sang các quốc gia và vùng lãnh thổ khác có lợi thế cạnh tranh rất lớn, so với các quốc gia, vùng lãnh thổ không có hiệp định thương mại tự do, đó là có những mặt hàng thuế suất về 0%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chúng ta phải nâng cao chất lượng của các sản phẩm của mình, đây là vấn đề sống còn, cũng như phải đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường đó, người tiêu dùng trực tiếp của thị trường đó. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần chủ động hơn nữa kiến thức về thị trường, mặt hàng… Liên quan đến kênh phân phối, việc ký kết hợp đồng để đưa hàng hóa vào các kênh phân phối, trước hết đó là việc của các doanh nghiệp với nhau. Tuy nhiên ở góc độ quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương luôn luôn bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời, cũng rất khuyến khích và đưa ra những điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài khi sản xuất kinh doanh, hợp tác tại Việt Nam. |