Tài nguyên số còn hơn cả một “mỏ vàng”
Hơn 2.000 lượt đại biểu trong nước và quốc tế tham dự các các nội dung của Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2023 (Vietnam - Asia DX Summit 2023) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 24 - 25/5/2023, với 6 phiên hội nghị chuyên đề, triển lãm nền tảng giải pháp số, và hoạt động kết nối giao thương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2023 |
Từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam đã có 3 năm chuẩn bị, nỗ lực, thử nghiệm và tăng tốc quá trình chuyển đổi. Đến nay, chuyển đổi số tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tạo ra những kết quả thực chất, những giá trị thiết thực cho phát triển kinh tế, xã hội.
Năm 2023 được khẳng định là "Năm Dữ liệu số quốc gia", là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số - đã ban hành kế hoạch hành động trọng tâm cho Năm Dữ liệu số. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phê duyệt kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia”, với các hoạt động nhằm thúc đẩy quản trị dữ liệu trên môi trường số.
Theo đó, tập trung vào các mục tiêu lớn như sau: 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục; trên 50% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (NDXP/LGSP).
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, nền tảng NDXP đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong năm 2022 là 876 triệu giao dịch tăng 4,86 lần so với năm 2021. Trung bình 1 ngày có 2,4 triệu giao dịch.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, chuyển đổi số không thể một người, một tổ chức hay một chính phủ làm được. Để chuyển đổi số, tất cả mọi người, mọi thành phần đều phải tham gia thì chúng ta mới có tài nguyên số. Tài nguyên số còn hơn cả một “mỏ vàng”, là nguồn tài nguyên vô tận từ tư duy, sáng tạo và trí tuệ mà thế giới đã và đang tạo lập và khai thác. Đó là nguồn tài nguyên mới, tài nguyên xanh, giúp chúng ta phục hồi tài nguyên tự nhiên, thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá.
Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ từ công nghệ thông tin sang công nghệ số. Toàn bộ nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ với những thành tựu công nghệ mới đáng ghi nhận. Áp lực chuyển đổi số của Chính phủ rất lớn. Chuyển đổi số quốc gia phải lấy phát triển Chính phủ số đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo phát triển, giải quyết các vấn đề lớn về phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quản trị quốc gia; quản lý nhà nước, hiệu quả; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh…
"Chính phủ phải đặt vai trò dẫn dắt, đặt trách nhiệm là người lái còn tàu chuyển đổi số, có như vậy, kinh tế số, xã hội số sẽ cùng phát triển. Tuy nhiên, khoa học và công nghệ thay đổi liên tục, doanh nghiệp cũng vận động liên tục, các doanh nghiệp, các chuyên gia chuyển đổi số cần có trách nhiệm và chủ động tham vấn, xây dựng chính sách cùng Chính phủ" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu.
Hình thành hệ sinh thái công nghệ số
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, chuyển đổi số là câu chuyện toàn cầu. Cả thế giới đang có nhu cầu chuyển đổi số. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần xác định tham gia chuyển đổi số là tham gia thị trường toàn cầu, đi ra thế giới, giải quyết các bài toán lớn của quốc tế, và sau đó, mang những công nghệ, kinh nghiệm, nhưng kiến thức và sự đoàn kết có được, giải các bài toán của Việt Nam, cũng như đưa ra những mô hình kinh tế mới hiệu quả cho nền kinh tế; kiến tạo những giá trị mới cho đất nước, cuộc sống hạnh phúc cho người dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các biểu tham quan triển lãm nền tảng giải pháp số trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2023 |
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho hay, để thúc đẩy tiến trình này, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược là phương pháp luận và kế hoạch tạo, kết nối và dùng dữ liệu để đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế xã hội với những sự chuẩn bị nhân lực, kiến trúc dữ liệu và mô hình quản trị dữ liệu. Đây sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số mang lại những giá trị lớn cho kinh tế, tại Việt Nam.
Chia sẻ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số kỳ vọng và luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ, các địa phương, các ban, bộ, ngành, các tổ chức để chung tay tham gia xây dựng hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiện đại, hiệu quả, Chủ tịch VINASA khẳng định, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có đủ nguồn lực, năng lực công nghệ, kinh nghiệm giải quyết các bài toán của quốc tế.
"Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ bằng nội lực, làm chủ thiết kế, công nghệ lõi, và đang hợp tác chặt chẽ dần hình thành hệ sinh thái công nghệ số hoàn chỉnh cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam" - ông Nguyễn Văn Khoa nói.
Ngay tại hội nghị, đại diện các Tập đoàn công nghệ lớn Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, MISA, FSI đã chia sẻ những mô hình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền trong tạo lập và khai thác dữ liệu số, đưa ra những dịch vụ số cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Các đại biểu quốc tế cũng chia sẻ những mô hình hợp tác hữu ích.
Là một trong những đơn vị được lựa chọn trình diễn hệ sinh thái giải pháp tiên phong về xử lý dữ liệu với nhiều ưu điểm đột phá, đã được ứng dụng thành công trong quá trình triển khai chuyển đổi số cho đa ngành tại diễn đàn, ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch FSI cho biết, dữ liệu đang được xác định là một nguồn tài nguyên mới quan trọng không kém gì những tài nguyên truyền thống như dầu mỏ, than đá… và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế số.
Việc tạo ra và khai thác dữ liệu số được xác định là yếu tố cốt lõi cũng như tạo ra sự khác biệt chính cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Để khai thác dữ liệu hiệu quả thì cần đồng bộ dữ liệu từ tất cả các cấp, đảm bảo dữ liệu ở mọi định dạng có thể liên kết được với nhau, bổ sung cho nhau, làm giàu cho nhau để tạo nên 1 cơ sở dữ liệu lớn tập trung và đầy đủ thông tin.
Hiện nay, thị trường dữ liệu ở Việt Nam chủ yếu do các công ty nước ngoài nắm giữ, chiếm khoảng 70-80% thị phần. "Các giải pháp nước ngoài thường có chi phí lớn và chưa thực sự tối ưu với các bài toán dữ liệu đặc thù của Việt Nam, do đó bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp công nghệ Việt là cần làm chủ công nghệ, đẩy nhanh công tác nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, giải pháp mới, các giải pháp Make in Vietnam để có thể tiếp cận và khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu của chính quốc gia mình" - đại diện FSI nêu khuyến nghị.