Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2021 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp thực hiện, nhằm chào mừng Ngày truyền thống thành lập MTTQ Việt Nam (18/11), ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, sự kiện là hoạt động đầy ý nghĩa, được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Tuần Đại đoàn kết các dân tộc |
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo đã tập hợp, đoàn kết dưới lá cờ của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh vĩ đại, làm nên Cách mạng Tháng Tám lịch sử, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao quà cho đại diện cộng đồng các dân tộc |
Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là đường lối chiến lược của Đảng ta, là bài học lớn của Cách mạng Việt Nam, góp phần tạo nên sức mạnh, động lực quan trọng cho công cuộc đổi mới toàn diện, mang lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta. Trong suốt 91 năm hình thành và phát triển, MTTQ Việt Nam đã tập hợp và đoàn kết ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết thống nhất, góp phần hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Tuần Đại đoàn kết các dân tộc là hoạt động thường niên, được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, là nơi quy tụ những nét đặc trưng văn hóa cơ bản nhất của cả 54 dân tộc anh em. Chủ đề Di sản Văn hóa Việt Nam năm nay có ý nghĩa sâu sắc, hưởng ứng Hội nghị văn hóa toàn quốc, đồng thời biểu dương các tấm gương tiêu biểu từ cộng đồng đồng bào các dân tộc trong cả nước, tôn vinh các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tuần lễ Đại đoàn kết sẽ giới thiệu về những nét đẹp văn hóa truyền thống, lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang còn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, sinh kế và đời sống nhân dân.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, cùng các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chung sức, đồng lòng, quyết liệt kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, ổn định, phục hồi và phát triển sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức xã hội, phát huy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng tinh thần vững chắc đưa đất nước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTT&DL cùng với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện có hiệu quả “Chương trình phối hợp về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, làm cho các giá trị văn hóa truyền thống thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.
Hát múa “Trên quê hương quan họ” |
Âm vang Tây Nguyên |
Bài hát điệu múa tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam |
Sau phần Lễ, Chương trình nghệ thuật diễn ra với chủ đề “Bình minh đất Việt”, gồm ba chương: Bình minh trên bản; Vang vọng hồn thiêng sông núi; Miền đất câu hò điệu ví với các hoạt cảnh phức hợp như: “Chợ phiên gặp gỡ”, hoạt cảnh “Bạch Đằng Giang - Hò biển”, hát múa “Trên quê hương quan họ”, trống hội “Bản trường ca trên mặt trống đồng”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, âm nhạc dân gian Huế, âm nhạc dân gian Khmer, hát văn “Cô đôi thượng ngàn”, hoạt cảnh “Ánh sáng niềm tin”... Khán giả được thưởng thức nhiều bài hát, điệu múa đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam, một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của quốc gia, được UNESCO ghi danh…