Tới dự lễ khai mạc có: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cùng các đại biểu nguyên là lãnh đạo Thành ủy Hà Nội; đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà; đại diện đại sứ quán các nước.
Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội đã trở thành sự kiện thường niên, hoạt động văn hóa nổi bật của thủ đô Hà Nội (Ảnh: Thu Hường) |
Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 được Thành phố xác định là một trong các sự kiện đặc biệt chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Với số lượng các di sản văn hóa phong phú và đa dạng, Hà Nội có 03 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, sở hữu gần 10 nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Bà Vũ Thu Hà-Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc Lễ hội (Ảnh: Quang Thái) |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, bà Vũ Thu Hà-Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Với mục tiêu phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội xác định: Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị; quan tâm phát triển phát triển các sản phẩm văn hoá, du lịch có thương hiệu mang tầm quốc tế; kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hoá với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, trong đó văn hoá, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.
Sau 03 lần tổ chức, đến nay, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội đã trở thành Lễ hội vào mỗi dịp tháng 10 hàng năm với định hướng xây dựng một sản phẩm văn hóa, du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội, điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.
NTK Hằng Nguyễn bên chiếc áo dài ngũ thân (Ảnh: Thu Hường) |
Chia sẻ tại sự kiện Nhà thiết kế Hằng Nguyễn – Thương hiệu áo dài Sắc Việt, cho biết: Đồng hành với Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội từ những ngày đầu tiên, năm nay chúng tôi mang đến lễ hội những sản phẩm hướng về cội nguồn, gắn với kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô, đó là bộ sưu tập Cổ Phục là áo dài ngũ thân, qua đó giới thiệu đến khách hàng trong và ngoài nước hiểu về nguồn gốc áo dài Việt Nam. Đây là những sản phẩm được thêu tay và sử dụng chất liệu lụa tơ tằm.
Theo giới thiệu của Nhà thiết kế Hằng Nguyễn nét độc đáo trong áo dài ngũ thân đó là tà áo thân trước, thân sau được tách riêng ra, thân con trong áo, với 5 khua kết bằng tay, toàn bộ được khâu đột bởi tay nghề của những nghệ nhân đã có trên 25 năm kinh nghiệm.
NTK Trương Ngọc Huyền chia sẻ về chiếc áo dài trong bộ sưu tập Hoa Cưới của thương hiệu Đỗ Trịnh Hoài Nam (Ảnh; Thu Hường) |
Từ miền Nam ra Hà Nội, lần đầu tiên NTK Trương Ngọc Huyền- Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam tham gia Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội cho biết: Quy mô của lễ hội rất hoành tráng, việc đưa áo dài thành lễ hội bắt đầu từ chủ trương của Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam, hiện chúng ta đang xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận áo dài Việt Nam là di sản, để làm được điều đó trước hết áo dài phải trở thành quốc phục.
“Hiện đối với Nữ, áo dài đã trở lên thông dụng và được sử dụng trong nhiều sự kiện lớn trọng đại của đất nước và trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên với Nam giới thì áo dài chưa được sử dụng rộng rãi, có ý kiến đưa áo dài vào các kỳ họp Quốc hội, chúng tôi thấy hợp lý”- NTK nhấn mạnh.
Tuy nhiên để áo dài trở thành quốc phục và thu hút được người sử dụng thì các bộ áo dài phải được thiết kế tạo sự thoải mái cho người mặc, hiện chiếc áo dài đang bị xem nhẹ mà người mặc không cần biết hình thức chiếc áo dài ra sao, chất liệu và thiết kế như thế nào?
NTK Trương Ngọc Huyền cho rằng: “Một chiếc áo dài được thiết kế phù hợp với điều kiện thời tiết, tạo sự thoải mái, thuận tiện trong các hoạt động sẽ được người dùng tự nguyện sử dụng thường xuyên thay vì sử dụng theo quy định bắt buộc”
Đêm khai mạc là Chương trình nghệ thuật “Tinh hoa Áo dài” (Ảnh: Thu Hường) |
Điểm nhấn của Đêm khai mạc là Chương trình nghệ thuật “Tinh hoa Áo dài” gồm 3 chương: Lịch sử vàng son, Nhịp cầu giao thoa, Hành trình lan tỏa. Chương trình nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, với không khí, cảm xúc khám phá và trải nghiệm, đặc biệt tái hiện hành trình lịch sử 70 năm Giải phóng Thủ đô với hình ảnh tà áo dài Việt Nam là trung tâm chủ đạo.
Lễ hội được diễn ra liên tục trong 03 ngày từ ngày 04 đến ngày 06/10/2024, với nhiều chương trình, hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia như: City Bus Tinh hoa áo dài; Trình diễn áo dài của các nhà thiết kế và chung kết cuộc thi thiết kế áo dài; Carnaval áo dài diễn ra vào ngày 05/10 với sự tham gia của 1.000 người…
Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn (Ảnh: Quang Thái) |
Nhiều hoạt động hấp dẫn khác như: Không gian triển lãm tư liệu ảnh áo dài; Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài, các sản phẩm dịch vụ du lịch, làng nghề truyền thống; không gian văn hóa nghệ thuật; không gian workshop trải nghiệm quy trình thiết kế và tạo ra các sản phẩm áo dài mini; không gian trò chơi dân gian…
Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội mở ra định hướng mới cho phát triển văn hóa, du lịch Thủ đô, góp phần để Việt Nam và Hà Nội trở thành điểm đến yêu mến và sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách trong nước và bạn bè quốc tế, là Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu thế giới.
Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội mở ra định hướng mới cho phát triển văn hóa, du lịch Thủ đô (Ảnh: Thu Hường) |
Ban tổ chức hy vọng các hoạt động của Lễ hội Áo dài du lịch năm 2024 sẽ mang lại cho các quý vị, bạn bè quốc tế, du khách và nhân dân những trải nghiệm ấn tượng, cảm xúc sâu sắc về nét đẹp văn hóa dân tộc, cùng hành trình lịch sử Hà Nội 70 năm trong dòng chảy di sản và phát triển.
Trong 9 tháng năm 2024, Hà Nội đón khoảng 21,12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,45 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 40% so với năm 2023) và 16,66 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 6% so với năm 2023), đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng GRDP của Thủ đô. |