Khai mạc Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng
Tin hoạt động 05/06/2024 10:11
Đưa Việt Nam thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu Hà Nội: Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, trợ lực cho xuất khẩu |
Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng do Bộ Công Thương được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì. Tham dự hội nghị có UBND TP. Hà Nội cùng khoảng 200 đại biểu tham dự là Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistics…
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì |
Đây là hội nghị thứ 3 của chuỗi 6 Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước, sau thành công của các Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên.
Hội nghị sẽ tập trung bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng trong hợp tác phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng như: Liên kết phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm nông sản chất lượng cao (như gạo, rau củ quả…); Liên kết phát triển dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu, khai thác hiệu quả các sản phẩm kinh tế biển phục vụ xuất khẩu; Liên kết phát triển các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng khu – cụm công nghiệp phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; Hợp tác, liên kết thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quy mô vùng…
Bên lề Hội nghị kết hợp không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
Các doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Hồng có sản phẩm chất lượng cao, có tiềm năng và năng lực xuất khẩu được Ban tổ chức Hội nghị tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động này.
Hoạt động xuất nhập khẩu của vùng Đồng bằng sông Hồng những năm qua luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu xuất nhập khẩu chung của cả nước. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, giảm gần 12,25 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn.
Không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng tại hội nghị |
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 126,94 tỷ USD, giảm trên 2,98 tỷ USD so năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 133,94 tỷ USD, giảm gần 9,26 tỷ USD so năm 2022. Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên…
Công tác xúc tiến thương mại được xác định là sợi dây liên kết các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng trong xúc tiến tiêu thụ hàng hóa. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng miền ổn định lâu dài và đạt hiệu quả. Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng trong 02 năm vừa qua đã tổ chức thành công nhiều hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng, thu hút sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công tác này cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt đa dạng các cơ hội thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hội nghị được kỳ vọng là kênh chia sẻ, trao đổi thông tin giá trị, cùng bàn thảo để triển khai các giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn trong và ngoài vùng Đồng bằng sông Hồng trong công tác xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu; vì mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp của vùng ngày càng lớn mạnh, giúp các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của vùng vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.
Vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố: Thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Phía Bắc, Đông Bắc và phía Tây, Tây Nam giáp vùng trung du và miền núi phía Bắc; phía Nam giáp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ. Đây là vùng có nền kinh tế phát triển năng động, không gian thị trường rộng lớn. Những năm qua, một số địa phương trong vùng đã có sự phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước (như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên…). Hạ tầng thương mại phát triển khá với sự gia tăng nhanh của các loại hình thương mại hiện đại như thương mại điện tử, các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, góp phần làm thay đổi diện mạo ngành thương mại của vùng và cả nước. Các ngành công, nông nghiệp thuộc ưu thế phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng gồm luyện kim, cơ chế, hoá chất, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, nhiệt điện, khai thác khí dầu, khai thác đá vôi, khai thác cao lanh, sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc và gia cầm... |