Đại hội đã vinh dự được đón Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Phạm Thế Duyệt và Huỳnh Đảm.
Đặc biệt, 1.800 đại biểu chính thức là Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, các thành phố trực thuộc Trung ương; các tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”, “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; Chiến sỹ thi đua toàn quốc… đã tham dự đại hội.
Những tấm gương sáng
Trong 5 năm qua, Đảng, Nhà nước và Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện; ban hành kịp thời Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng…. Công tác thi đua khen thưởng đã đạt được những kết quả tích cực khi phát hiện ra nhiều tấm gương điển hình, xuất sắc, đóng góp tích cực cho kinh tế và đời sống.
Toàn cảnh đại hội |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương - cho răng: “5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy sức mạnh toàn dân, tạo động lực góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Kinh tế xã hội nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá cao. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu…”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng chỉ đạo đại hội |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc đại hội |
Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt - Kỹ sư ngành điện nổi tiếng toàn quốc với công trình nghiên cứu, chế tạo ra máy biến áp 500 kV - chia sẻ thành tích nghiên cứu và chế tạo thành công ra máy biến áp 500 kV - “gã khổng lồ” của ngành điện là một trong những thành công lớn nhất của chị trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, không dừng lại ở việc nghiên cứu, chế tạo thành công, mới đây, chị còn nghiên cứu, sửa chữa thành công cỗ máy khổng lồ này.
Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: “Ngay sau khi cầm quyết định về hưu, tôi cũng nhận được quyết định sửa chữa máy biến áp 500 kV cho Nhà máy Thủy điện Yaly. Thời điểm đó, Nhà máy Thủy điện Yaly bị cháy cùng lúc 3 máy biến áp 500 kV, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đây cũng là lần đầu tiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định để một kỹ sư ngành điện sửa chữa cỗ máy này tại chỗ mà không thuê chuyên gia nước ngoài. Sau việc nghiên cứu, chế tạo thành công máy biến áp 500 kV, việc sửa chữa thành công loại máy này tiếp tục là điều bất ngờ với ngành điện Việt Nam cũng như với những quốc gia trong khu vực”.
Nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng,Nhà nước tham dự đại hội |
Là một trong những ngành trụ cột của kinh tế đất nước, ngành dầu khí luôn coi trọng công tác phát hiện, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là người lao động trực tiếp. Ông Võ Quang Lâm - Trưởng phòng Thi đua khen thưởng, Văn phòng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cho hay, tại Đại hội Thi đua yêu nước của PVN lần thứ 4 vừa qua, Tập đoàn đã vinh danh 40 gương điển hình xuất sắc, 54 gương điển hình tiên tiến của ngành Dầu khí. PVN cũng vinh dự có 16 đại biểu được tham gia Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần IX.
Phát huy hơn nữa hiệu quả công tác thi đua khen thưởng
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương - chỉ rõ, mặc dù đã đạt nhiều thành tích nhưng nhìn chung, công tác thi đua khen thưởng còn nhiều tồn tại như chưa phát triển đồng đều, liên tục, có nơi còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng một số nơi chưa phát huy hết vai trò tham mưu, tư vấn cho Đảng và chính quyền trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua…
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu |
Trong thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng có nhiệm vụ phải trở thành động lực to lớn, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, trở thành động lực to lớn giúp phát triển nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: Giai đoạn tới, phong trào thi đua yêu nước cần tập trung vào 5 nhiệm vụ chính. Một là, cần tiếp tục quán triệt, triển khai tuyên truyền và thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng. Nhất là quán triệt sâu sắc quan điểm thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện tốt Chỉ thị 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Hai là, công tác thi đua cần phải gắn với những mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo phong trào. Ba là, việc triển khai các phong trào thi đua cần gắn liền với công tác đánh giá, sơ kết, khen thưởng kịp thời với các đơn vị, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực. Bốn là, thông qua phong trào thi đua để phát triển, bồi dưỡng các điển hình tiên tiến. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần chọn lựa các điển hình tiên tiến để noi gương, học tập, tạo điều kiện để các điển hình phát huy được tác dụng và có sức lan tỏa lớn trong xã hội. Năm là, công tác thi đua khen thưởng đòi hỏi phải huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị nhưng cũng cần có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý làm làm nòng cốt.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: "Ngay sau khi Đại hội kết thúc, các cơ quan thông tin, truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về đại hội. Công tác quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng cần được tăng cường. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần tiếp tục phát huy trong việc vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua khen thưởng thông qua việc thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao”.
Đoàn Bộ Công Thương chụp ảnh với lãnh đạo cấp cao |
Là một trong những điển hình tiên tiến ngành Công Thương, ông Lý Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Minh Long - bày tỏ trong giai đoạn tới, định hướng lớn nhất của cá nhân ông và toàn thể cán bộ công nhân viên công ty là tiếp tục đầu tư công nghệ, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh tốt với các sản phẩm nhập khẩu nhưng có giá bán phù hợp với mức chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Phượng - Công nhân Phân xưởng giám định, Công ty Tuyển than Cửa Ông - chia sẻ thi đua là nỗ lực tìm tòi, có những sáng kiến từ công việc thiết thực hàng ngày. Theo đó, nỗ lực có thêm nhiều sáng kiến mang lại lợi nhuận cho công ty, hiệu quả cho công việc là điều bà và những công nhân ngành than luôn hướng tới.
Văn nghệ chào mừng đại hội |
Các chỉ tiêu chủ yếu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020 được đặt ra là: hàng năm 100% bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phát động và ký giao ước thi đua; 100% các phong trào thi đua xây dựng được tiêu chí cụ thể, thiết thực. Có 60% người lao động trực tiếp sản xuất, công tác, chiến đấu được nhận hình thức khen thưởng cấp Bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương; 20% được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2020, có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới… |
TIN LIÊN QUAN | |
Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc | |
Khai trương Trung tâm Báo chí Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX | |
Bộ Công Thương: Gặp mặt đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc |