Trước đại dịch Covid-19, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển bứt phá với tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 22,8% trong giai đoạn 2015-2019, tăng từ 7,9 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2015 lên 18 triệu lượt vào năm 2019. Sau thời gian gián đoạn bởi dịch Covid-19, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, kể từ khi mở cửa trở lại từ 15/3/2022, lượng khách quốc tế đã phục hồi ngày càng nhanh theo thời gian.
Khách quốc tế tại Hội An. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Theo đó, năm 2022, Việt Nam đón được gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, tương đương 20% so với năm 2019, trong bối cảnh ngành du lịch châu Á gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế khi nhiều thị trường nguồn lớn trong khu vực lúc đó vẫn chưa mở cửa hoặc mở cửa rất muộn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...; trên thế giới, châu Á là khu vực có tốc độ phục hồi du lịch chậm nhất.
Bước sang năm 2023, thị trường du lịch quốc tế đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, mức độ phục hồi đã đạt 70% so với năm 2019, cao hơn mức phục hồi chung của châu Á (65%). Tiếp nối đà tăng trưởng, 2 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2023, đã bằng với mức năm 2019 - thời điểm trước dịch.
Về cơ cấu thị trường, năm 2019 trước khi dịch bệnh xảy ra, tỷ trọng khách quốc tế đến Việt Nam từ Đông Bắc Á chiếm 67%; Đông Nam Á chiếm 11%; châu Âu chiếm 12%; châu Mỹ chiếm 5,4%; châu Úc chiếm 2,4%. Đến năm 2023, Đông Bắc Á giảm xuống còn 54%. Đông Nam Á chiếm 16%; châu Âu chiếm 11,6%; châu Mỹ chiếm 7,2%; châu Úc chiếm 3,4%.
Đáng chú ý, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho haym hai thị trường lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã trở thành thị trường gửi khách lớn nhất, Trung Quốc xuống vị trí thứ hai. Năm 2023, thị trường Trung Quốc mới phục hồi 30% so với năm 2019, đóng góp 16% tổng lượng khách đến Việt Nam. Trong khi đó, lượng khách từ Hàn Quốc đã phục hồi 84%, chiếm 29% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường mới nổi Ấn Độ có sự bứt phá đáng kể khi đạt 392 nghìn lượt khách năm 2023, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2019. Với dân số lớn nhất thế giới, Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng.
Đặc biệt, trong năm 2023, các thị trường châu Âu có sự phục hồi khả quan, trong đó có các thị trường chính như: Tây Ban Nha phục hồi 91%; Đức đạt 88%; Anh đạt 80%; Pháp đạt 75%. Hai tháng đầu năm 2024, các thị trường châu Âu tiếp tục tăng trưởng sôi động so với cùng kỳ năm 2023: Anh (+32,6%), Pháp (+34,6%), Đức (+37,1%), Ý (+82,3%), Tây Ban Nha (+48,5%), Nga (+58,7%), Đan Mạch (+47,4%), Thụy Điển (+41,9%), Na Uy (+41,2%). Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, những thị trường này nằm trong nhóm được hưởng chính sách thị thực mới áp dụng từ 15/8/2023, trong đó thời hạn tạm trú đã được nâng từ 15 ngày lên 45 ngày.
Tại Tọa đàm “Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá” mới đây, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia - ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, thời gian qua, ngành du lịch nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn bao giờ hết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với việc ban hành các văn bản, nghị quyết, chỉ thị để tháo gỡ khó khăn, qua đó góp phần thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển hiệu quả, bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành du lịch trong năm 2024 đón 18 triệu khách quốc tế, 110 triệu du khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 850 ngàn tỷ đồng, ngành du lịch đã để ra các giải pháp trọng tâm. Trong đó, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, muốn thu hút, giữ chân du khách ở lâu và chi tiêu nhiều thì phải có sản phẩm du lịch phù hợp, hấp dẫn, chất lượng. "Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển sản phẩm mới"- ông Khánh nêu.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh sau đại dịch còn nhiều khó khăn, nhiều điểm đến trong khu vực có xu hướng cạnh tranh quyết liệt thu hút khách inbound, chưa khuyến khích du lịch outbound, lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia chỉ rõ, ngành du lịch Việt Nam cần tập trung vào phương châm mà Nghị quyết 82 của Chính phủ đã đặt ra là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” để nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.
Về công tác xúc tiến quảng bá, hiện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đang nghiên cứu, tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình cấp có thẩm quyền về việc chỉnh sửa các quy định liên quan đến hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch.
Đối với chính sách thị thực và xuất nhập cảnh, vừa qua Chính phủ đã ban hành chính sách mới có hiệu ứng rất tốt, gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong Chỉ thị 08 ban hành ngày 23/2/2024, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất tiếp tục tạo thuận lợi đi lại hơn cho khách du lịch như áp dụng nhận diện khuôn mặt trong thủ tục xuất nhập cảnh, sử dụng hộ chiếu điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ, xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương, có chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh đối với một số thị trường…
“Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình. Để tạo đột phá trong phát triển du lịch, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân”- ông Khánh nhấn mạnh.