Cho ý kiến về sửa quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm Chống “tham nhũng chính sách” - Lấy ý kiến nhân dân một cách thực chất |
Buổi sinh hoạt định kỳ của Chi bộ Điện lực thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). (Ảnh HUYỀN TRANG) |
Xây dựng nghị quyết là công việc quan trọng trong phương thức lãnh đạo, thể hiện năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Nghị quyết sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị thì việc triển khai thực hiện mới thuận lợi, đạt kết quả cao. Xây dựng nghị quyết phải dựa trên việc bàn bạc, thảo luận, phân tích kỹ lưỡng và dân chủ để mỗi nghị quyết được ban hành thật sự là tâm huyết, trí tuệ của tập thể.
Thực tế thời gian qua ở nhiều tổ chức cơ sở đảng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị bắt đầu ngay từ khâu xây dựng nghị quyết. Các cuộc họp chi bộ được tổ chức bài bản, công phu, ý kiến phát biểu xây dựng nghị quyết đều bám sát trọng tâm, trọng điểm. Để có được kết quả này, các chi bộ đều có một điểm chung là đã khắc phục “bệnh” ngại họp, ngại nêu ý kiến.
Hệ quả của “bệnh” ngại họp, ngại nêu ý kiến
Cán bộ, đảng viên ngại họp, không chịu, không muốn nêu ý kiến trong việc xây dựng nghị quyết có xu hướng gây ra hệ quả xấu đến hoạt động của tổ chức đảng. Hiện tượng này thường xuất hiện ở một số tổ chức cơ sở đảng thiếu tính chiến đấu, sinh hoạt chi bộ cho có và tính hiệu quả của những nghị quyết được ban hành không cao, khó đi vào thực tiễn. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Quang Điền kể lại một bài học đắt giá khi nghị quyết không đi vào cuộc sống.
Đó là, có đảng bộ xã ban hành một nghị quyết về phát triển cây nông nghiệp nhằm giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Trong quá trình xây dựng nghị quyết không đảng viên nào nêu ý kiến, nhưng đến khi triển khai thực hiện thì có ý kiến cho rằng giống cây này không hợp thổ nhưỡng, người dân đã từng làm mà không hiệu quả. Kết quả, vận động rất khó khăn mà cuối cùng năng suất ruộng mẫu cũng không đạt.
Phân tích lại thì cấp ủy nói đảng viên biết mà không nêu ý kiến, đảng viên thì cho rằng nghị quyết ban hành quá vội vàng. Đánh giá lại quá trình mới thấy lỗi phần lớn đến từ quá trình họp bàn xây dựng nghị quyết. Người điều hành thì áp đặt ý chí, đảng viên thì không phát huy trách nhiệm, thiếu tinh thần đấu tranh, phản biện. Mặc dù chuyện xảy ra đã lâu nhưng đây vẫn là bài học đắt giá để các đồng chí trong Huyện ủy Vũ Quang nhắc nhở.
Đảng viên ngại họp, ngại nêu ý kiến, thiếu tinh thần trách nhiệm cũng có nguyên nhân sâu xa do người đứng đầu cấp ủy nhận thức chưa đúng mức về vai trò, ý nghĩa của việc sinh hoạt chi bộ, thêm vào đó là thiếu kỹ năng tổ chức, điều hành cuộc họp. Phó Bí thư Huyện ủy Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Viết Dũng kể lại trải nghiệm từ khi anh còn làm Bí thư Đảng ủy ở một xã vùng cao.
Lần đầu dự họp chi bộ của một bản tôi khá bất ngờ khi thấy các đồng chí đảng viên nữ mang theo cả những bó dây gai, vừa họp vừa xe sợi. Trong cuộc họp nhiều người “túm năm, tụm ba” nói chuyện riêng. Trong cuộc họp thì không phát biểu, nhưng sau đó lại có ý kiến trái ngược nhiều. Điều đáng nói là người đứng đầu cấp ủy phân công nhiệm vụ không rõ ràng, đảng viên thái độ lừng khừng không rõ là nhất trí hay không nhất trí. Kết luận thì vội vàng như để cho xong chuyện. Chất lượng sinh hoạt chi bộ như thế rõ ràng là không bảo đảm. Huyện ủy Hương Sơn sau này phải sắp xếp lại cán bộ cho phù hợp năng lực và chuyên môn, chỉ đạo cán bộ hướng dẫn đội ngũ cấp ủy, đảng viên thôn, bản tình hình mới tạm ổn.
Không riêng ở Hà Tĩnh mà tổ chức cơ sở đảng ở nhiều địa phương trên cả nước cũng từng diễn ra tình trạng này. Những năm gần đây, các địa phương quyết liệt chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Trong đó, việc lựa chọn cán bộ có năng lực xứng tầm nhiệm vụ được ưu tiên. Nhiều cấp ủy đề ra các cơ chế sàng lọc, tìm ra người giỏi, người tài, người sẵn sàng cống hiến. Bên cạnh đó là cơ chế đào tạo để bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy.
Điển hình như Thị ủy Kỳ Anh thường xuyên mở các lớp tập huấn trang bị thêm các kiến thức về nghiệp vụ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở địa phương. Đây cũng là dịp để giúp các đồng chí làm công tác đảng từ thị xã đến cơ sở trao đổi thêm về chuyên môn nghiệp vụ.
Kinh nghiệm của Đảng bộ thị xã Kỳ Anh
Đảng bộ thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh có 177 chi bộ với hơn 4.200 đảng viên. Trong quá khứ đã từng có tình trạng chất lượng sinh hoạt chi bộ thấp. Sang nhiệm kỳ 2020-2025, Thường vụ Thị ủy đã ban hành một số văn bản, nghị quyết nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, trong đó Nghị quyết số 02-NQ/ThU, ngày 3/2/2021 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Nghị quyết 02) đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng.
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Kỳ Anh, Phan Duy Vĩnh nói: Mặc dù yêu cầu nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ rất cấp thiết, song qua quá trình bàn bạc, thảo luận Ban Thường vụ vẫn quyết định lùi việc ban hành Nghị quyết 02 sau sáu tháng để thực hiện thí điểm và rút kinh nghiệm tại một số mô hình điểm. Trong sáu tháng này các thành viên của Ban Thường vụ cũng như các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ được phân công theo dõi phải bám sát, tham dự sinh hoạt chi bộ tại các đơn vị được phân công. Sau mỗi cuộc họp đều phải có báo cáo, rút kinh nghiệm tại chỗ, chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, trực tiếp góp ý nhằm xây dựng mô hình sinh hoạt chi bộ có chất lượng, hiệu quả, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của đảng viên.
Quá trình xây dựng Nghị quyết 02 đã phát hiện nhiều cách làm hay, hấp dẫn với cán bộ, đảng viên trong chi bộ và các đồng chí được mời tham dự. Thí dụ từ việc phân loại các loại hình chi bộ, việc thông tin thời sự cho tới góp ý xây dựng nghị quyết phải bám sát được loại hình, đơn cử như chi bộ nông nghiệp, chi bộ doanh nghiệp thì phải có thông tin liên quan, bàn những vấn đề sát sườn với người lao động. Thứ đến là tăng cường sinh hoạt chuyên đề tạo sự hấp dẫn đối với người nghe, người thực hiện chuyên đề. Ngoài ra, các buổi sinh hoạt đều có sự tham dự của khách mời từ chi bộ bạn, đảng bộ cấp trên...
Qua khảo sát tại một số đảng ủy xã và chi bộ điển hình chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực. Có một số lý do được nêu ra, thứ nhất là tâm lý tiếp nhận, những vấn đề được trình bày trong một buổi sinh hoạt chi bộ thường rất sát với thực tiễn của địa phương và ngành nghề tạo ra sức lôi cuốn, thu hút. Thứ hai là tâm lý “chủ-khách”, bởi các buổi sinh hoạt chi bộ đều có khách mời từ cấp trên và chi bộ bạn cho nên việc sinh hoạt được tổ chức bài bản, kỹ lưỡng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trình bày chuyên đề cũng là điểm mới.
Nếu trước đây chỉ có ghi chép và ra văn bản viết tay thì nay đã có thêm các sơ đồ, bảng biểu, trích dẫn được trình chiếu tạo sự khác biệt mới lạ trong cung cấp thông tin và tiếp nhận thông tin. Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hoa Hoàng Minh Tâm (nay là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã) cho biết, xã có tổng số 10 chi bộ thì đã có 6 chi bộ thực hiện sinh hoạt điểm. Thời gian qua, các chi bộ đã ban hành nhiều nghị quyết bám sát thực tiễn địa phương, trong đó có những nghị quyết có “tầm vóc” của những “luận chứng” kinh tế, xã hội. Thí dụ như các chuyên đề về chuyển đổi đất đồi, vườn; trồng cây chè vằng làm sản phẩm OCOP; nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ em trong trường mầm non…
Qua hai năm thực hiện Nghị quyết 02, Đảng bộ thị xã Kỳ Anh đã mở hàng chục lớp tập huấn chuyên sâu, mời các chuyên gia, cán bộ lão thành về giảng dạy, giao lưu, góp ý…, qua đó, nâng cao nhận thức và trình độ tổ chức của cán bộ, cấp ủy, đảng viên trong sinh hoạt chi bộ, xây dựng nghị quyết, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Ðảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Do vậy việc xây dựng nghị quyết của đảng bộ, chi bộ cơ sở có ý nghĩa quan trọng, là bước hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống nhân dân. Đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cấp ủy cơ sở đảng bằng việc tích cực tham gia góp ý xây dựng nghị quyết là trách nhiệm của mỗi đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát huy phẩm chất dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong tình hình mới.