DN phân phối sẵn sàng đồng hành
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến “Kết nối tiêu thụ mận Tam Hoa và nông sản an toàn tỉnh Lào Cai” diễn ra sáng ngày 11/6, ông Đỗ Văn Duy- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lào Cai- cho hay, các sản phẩm tham gia kết nối tiêu thụ tại Hội nghị lần này là những sản phẩm đặc sản gắn với các vùng địa lý của Lào Cai, đang và chuẩn bị vào vụ hoạch.
Cụ thể, mận Tam Hoa với sản lượng trên 3.560 tấn, hiện đã tiêu thụ 962 tấn, còn lại 2.598 tấn, dự kiến tiêu thụ tại địa phương 898 tấn, cần kết nối tiêu thụ ngoài tỉnh 1.700 tấn; quả su su (Sa Pa) sản lượng khoảng 8.500 tấn, hiện đã tiêu thụ 90 tấn, cần kết nối tiêu thụ ngoài tỉnh 8.410 tấn; quả lê VH6 sản lượng 722 tấn thời vụ thu hoạch vào cuối tháng 6 đến 15/7;… ngoài ra còn có cá nước lạnh, hoa cắt cành và rau củ trái vụ.
Kết nối tiêu thụ nông sản an toàn tỉnh Lào Cai với doanh nghiệp phân phối |
Do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản. Do đó, phía địa phương mong muốn kết nối với các tập đoàn bán lẻ, các sàn giao dịch điện tử, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh, thành phố,… tham gia tiêu thụ nông sản của tỉnh. "Sản phẩm mận Tam Hoa chủ yếu các tiểu thương giao dịch tại thị trấn Bắc Hà, đóng hộp gửi xe đi Lào Cai, Hà Nội và các thành phố lớn khác. Ngoài ra bước đầu đã có 49 đơn mua hàng qua sàn thương mại điện tử Postmart, Voso.vn. Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên giá mận giảm từ 20 - 30% so cùng kỳ năm 2020. Thị trường tiêu thụ quả su su chủ yếu tiêu thụ ngoài tỉnh (90%) tại các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và TP. Hà Nội… Do dịch Covid-19, nếu hoạt động du lịch, dịch vụ, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập không hoạt động trở lại sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ", ông Duy cho hay.
Tại Hội nghị, các DN phân phối tại đầu cầu Hà Nội đều cho biết sẵn sàng đồng hành cùng với địa phương trong việc tiêu thụ mận Tam Hoa nói riêng và nông sản an toàn của tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, vấn đề mà các DN quan tâm đó là khâu vận chuyển, thu hái, đóng gói, cơ chế kiểm soát và an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc và giá cả.
Ông Đào Ngọc Nam- Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại An Việt- đặt vấn đề, việc các DN phân phối mua với sản lượng khoảng 100 kg/lần, nếu mỗi đơn vị phân phối có một đơn vị vận chuyển về Hà Nội, việc này vừa tốn kém vừa không chuyên nghiệp. Đầu cầu Lào Cai cần có điểm tập kết và đơn vị đại diện để làm việc này. Về phía DN, sẵn sàng hỗ trợ về điểm tập kết hàng hóa đầu cầu Hà Nội.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu- Phó giám đốc Công ty CP hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tạo tác động MEVI, do nhiều nơi hàng hóa không đồng nhất khiến khách hàng cũng thường xuyên đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, do nhiều đơn vị cùng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản khiến mức giá mỗi nơi một khác nhau, điều này khiến khách hàng cũng hoang mang. Chi phí vận chuyển từ Lào Cai về Hà Nội cũng rất lớn. Do đó, bà Thu đặt câu hỏi cho phía địa phương đã có phương án phân loại đóng gói gắn với truy xuất nguồn gốc các sản phẩm an toàn của các hộ, vườn hay chưa?; phần giá cả, ngoài giá cả bán tại vườn, các HTX, nhà vườn có quy định giá bán lẻ trên thị trường sau khi đã phân loại hay chưa?; về logistics, để giảm chi phí, phía địa phương đã xây dựng các điểm tập kết đầu cầu Lào Cai, hay phía Hà Nội hay chưa?.
Trong khi đó, đại diện Big C băn khoăn khả năng vận chuyển, đóng gói của các HTX về kho hàng của DN cũng như mức giá cả hàng hóa cung ứng có ổn định hay không?
HTX nông nghiệp Lào Cai đã sẵn sàng
Trước các ý kiến từ phía các DN phân phối, ông Đỗ Văn Duy cho hay, Lào Cai với các sản phẩm đặc hữu, những nông sản được kết nối tiêu thụ tại Hội nghị này cam kết thực hiện theo đúng quy trình từ khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản, đóng gói, đảm bảo chất lượng tươi, ngon, có thông tin rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn. Nhiều sản phẩm đã được cấp mã truy xuất, thậm trí đã được cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Mận Tam Hoa (Bắc Hà, Lào Cai) hiện đã tiêu thụ được 50% sản lượng |
Liên quan đến vấn đề logistics, vận chuyển trong bối cảnh dịch Covid-19, đây là điểm mới. Sản lượng sản phẩm của Lào Cai không quá nhiều so với các vùng sản xuất trên cả nước, do đó, những mặt hàng như rau trái vụ, quả su su đã có điểm tập kết, bao tiêu đóng gói, riêng quả mận vẫn tiêu thụ theo hình thức truyền thống. “Việc vận chuyển từ đầu cầu Lào Cai rất thuận lợi, mong đến đâu cầu Hà Nội cũng được thuận lợi. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, tư thương đến tiêu thụ nông sản”, ông Đỗ Văn Duy nói.
Về đầu mối tiêu thụ mận Tam Hoa, đại diện UBND huyện Bắc Hà thông tin, hiện đã giao Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện làm đầu mối thu gom vận chuyển đến các điểm tập kết và thông tin giá cả đến các đơn vị tiêu thụ.
Ở đầu cầu Lào Cai, các HTX nông nghiệp đều cam kết về chất lượng, dán tem truy xuất nguồn gốc, báo giá nông sản theo thời gian quy định và cũng cam kết cả vấn đề vận chuyển. Bà Đỗ Thị Liên- Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoa Đào- thông tin, hiện các sản phẩm rau, củ của Sa Pa khá đầy đủ giấy tờ, rau của HTX có dán tem truy xuất nguồn gốc. Phía HTX cũng sẽ đảm bảo khâu bao bì, đóng gói, vận chuyển về tận nơi theo đơn đặt hàng nhưng với sản lượng từ 1 tấn trở lên, giá cả đảm bảo ổn định trong 15 ngày.
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp – Bộ NN&PTNT - cho biết: Hội nghị hôm nay là những giải pháp tạm thời để giải phóng các điểm ùn ứ nông sản cục bộ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Về lâu dài, cần thiết lập một hệ thống thông tin, dữ liệu đầu cung từ quy mô, sản lượng, thời điểm thu hoạch, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc… và cung cấp thường xuyên cho các hệ thống bán lẻ, hệ thống phân phối lớn. DN phân phối sẽ tiếp nhận và xử lý những dữ liệu để xây dựng kế hoạch kinh doanh, kết nối tiêu thụ bài bản hơn. Tránh tình trạng khi nông dân thu hoạch xong rồi thì mới tìm chỗ để bán.
Ngay tại Hội nghị trực tuyến, DN, chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ về việc bao tiêu nông sản với phía Lào Cai |
Phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; kết nối tiêu thụ giữa DN phân phối với HTX, DN sản xuất theo hình thức trực tuyến; lựa chọn hình thức trưng bày, kết nối, bán hàng trên các nền tảng trực tuyến… Các chuyên gia cho rằng, không chỉ vải thiều Bắc Giang, mận Tam Hoa mà nhiều sản phẩm nông sản khác sẽ có một năm được mùa, được giá, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho các địa phương.
Hiện, mậu Tam Hoa đã tiêu thụ được 50% sản lượng với giá bán từ 5.000 – 45.000 đồng/kg tùy loại, quả lê VH6 thời gian cho thu hoạch sẽ tập trung từ tháng 7 - tháng 8 tới đây, còn đối với quả su su, thời gian thu hoạch cao điểm vào từ 1/7 đến 15/9 với sản lượng 60-70 tấn/ngày... Ngay tại Hội nghị trực tuyến, DN, chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ về việc bao tiêu nông sản với phía Lào Cai. Các nội dung hợp tác sẽ được các bên thống nhất cụ thể bằng các hợp đồng với từng loại sản phẩm. Các sản phẩm tham gia kết nối sẽ sớm có mặt tại Hà Nội.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)