Ngân hàng và doanh nghiệp: Đồng hành, trách nhiệm, chia sẻ Miễn, giảm lãi suất hơn 1 triệu tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó |
Ngày 22/5, NHNN phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, nhằm tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã triển khai tốt hoạt động hỗ trợ DN; quan tâm chia sẻ đồng hành với khách hàng, tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên lãnh đạo tỉnh An Giang đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm giúp các DN ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh An Giang còn đề nghị ngành ngân hàng có thêm những giải pháp hiệu quả kéo giảm lãi suất ở mức phù hợp để hỗ trợ DN và thị trường. “Ngân hàng thương mại (NHTM) quan tâm hỗ trợ tín dụng để DN đầu tư những lĩnh vực tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, như: dịch vụ, du lịch, chế biến nông thủy sản…”, ông Bình nói.
Hội nghị Kết nội Ngân hàng - Doanh nghiệp tại tỉnh An Giang |
Nêu đề xuất tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang cho hay, việc giảm lãi suất cho vay và gia hạn nợ của ngân hàng trên địa bàn thời gian qua còn chậm do các chi nhánh NHTM phải xin ý kiến Hội sở. Để chính sách giảm lãi và gia hạn nợ được triển khai kịp thời hỗ trợ DN, ông Việt đề xuất NHNN cần hỗ trợ các NHTM trong việc phân loại DN, khoản vay, ngành nghề đặc thù để các ngân hàng thuận lợi hơn trong từng đối tượng DN bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Lắng nghe những ý kiến của lãnh đạo và đề xuất của các DN tỉnh An Giang, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh, hoạt động của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay phải chủ động, tích cực hỗ trợ nền kinh tế với tinh thần “đồng hành - chia sẻ - trách nhiệm”, đặc biệt phải xử lý dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3/2020 quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Lãnh đạo NHNN cũng chỉ đạo các NHTM cần chủ động căn cứ trên tình hình thực tế, thực lực của từng đơn vị, đưa ra các phương án cụ thể hình thành tiêu chí phân loại mức độ hỗ trợ DN. Trên cơ sở đó, hội sở phải có văn bản thống nhất với các chi nhánh ngân hàng để triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng, phương pháp xác định thiệt hại của các DN nhằm tăng số lượng dư nợ được hỗ trợ. Tuyệt đối không vì vướng mắc về cơ chế, thủ tục làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của DN đối với các chính sách hỗ trợ nền kinh tế mà NHNN đã và đang triển khai.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN cũng lưu ý, chia sẻ khó khăn với DN nhưng trên tinh thần không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo an toàn hệ thống, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc.
Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn và Ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng chủ trì hội nghị.
Thông tin tại hội nghị ông Nguyễn Văn Tâm Giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc cho biết, đến thời điểm hiện tại, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã xác định được một số khách hàng với những thiệt hại cụ thể, số liệu rõ ràng và đưa ra hình thức hỗ trợ: Cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%/năm so với lãi suất khoản vay cũ được 9.465 khách hàng, doanh số cho vay lỹ kế từ ngày 23/01/2020 là 11.825 tỷ đồng, trong đó, có 717 DN, doanh số đạt 6.244 tỷ đồng; cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể: 8.748 trường hợp, doanh số đạt 5.581 tỷ đồng.
Miễn, giảm lãi vay cho 1.215 khách hàng, dư nợ đạt 2.584 tỷ đồng, trong đó, có 230 DN, dư nợ đạt 1.385 tỷ đồng; cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể: 985 trường hợp, dư nợ đạt 1.199 tỷ đồng. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 371 khách hàng, dư nợ đạt 917 tỷ đồng, trong đó, có 48 DN, dư nợ đạt 619 tỷ đồng; cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể: 323 trường hợp, dư nợ đạt 298 tỷ đồng.
Hội nghị Kết nội Ngân hàng - Doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc |
Đánh giá cao sự nỗ lực của ngành ngân hàng, ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh và tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, NHNN là một trong những cơ quan vào cuộc sớm nhất thông qua việc ban hành Thông tư 01 với nhiều giải pháp từ cơ cấu lại nợ, giãn nợ, tiết giảm chi phí, tháo gỡ thủ tục hành chính. “Đây là Thông tư ra đúng lúc, giúp doanh nghiệp, địa phương tháo gỡ khó khăn. Song song với đó, hệ thống ngân hàng đặc biệt là ngân hàng Trung ương rất sát sao trong việc kiểm tra giám sát, đối thoại DN, tìm hiểu khó khăn. Từ đầu năm đến nay đã có 2 cuộc đối thoại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó các khó khăn đã được tháo gỡ”, ông Thành đánh giá.
Để tiếp tục hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020, Thông tư 01 và các chỉ đạo liên quan.
“Quan điểm là phải chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, DN trước, trong và sau khi dịch kết thúc; Chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc”, ông Đoàn Thái Sơn nói.
Để ngành ngân hàng trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng có thể triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, Phó Thống đốc NNHN mong muốn, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi tiếp cận vay vốn ngân hàng; tiếp tục hỗ trợ các TCTD trên địa bàn trong xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.
Ông Đoàn Thái Sơn cũng đề nghị, các hiệp hội DN phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền, giải thích các chính sách hỗ trợ, sự đồng hành, chia sẻ của ngành ngân hàng để DN thành viên nắm bắt, tiếp cận thuận lợi. Về phía các DN, cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thực tế làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay.
Trước An Giang và Vĩnh Phúc, NHNN đã tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại 3 tỉnh, thành là Hà Nội, Bình Dương và Hải Phòng. Được biết, trong thời gian này, NHNN sẽ tổ chức 14 Hội nghị Kết nối Ngân hàng -Doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trọng điểm có dư nợ tín dung cao để lắng nghe, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, tháo gỡ khó khăn cho các DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19.