Đây là ý kiến được các DN, chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Kết nối DN với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá thủ đô”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 25/11, tại Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm gần 30% tổng số làng nghề của cả nước, trong đó có 305 làng nghề thuộc 23 quận, huyện, thị xã với các làng nghề như: Khảm trai, sơn mài, làm nón, da giày, điêu khắc gỗ, tơ lụa, gốm sứ… đã được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt tiêu chí.
Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống |
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - ông Đào Xuân Dũng - trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 12 lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa… trong đó thủ công mỹ nghệ là thành tố quan trọng của du lịch văn hóa.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - ông Lưu Duy Dần - cho biết, Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Các làng nghề ở Hà Nội có quá trình phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm, mang nét đặc sắc riêng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội có tính riêng biệt, đặc thù không nơi nào có được như: Gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc Kiêu Kỵ (Gia Lâm); lụa Vạn Phúc (Hà Đông); đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình); tò he (Xuân La), sừng (Thụy Ứng)…
Năm 2017, tổng doanh thu từ 297 làng nghề truyền thống và một số làng nghề của TP. Hà Nội đạt trên 20 nghìn tỷ đồng |
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội về tình hình phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn năm 2017: tổng doanh thu từ 297 làng nghề truyền thống và một số làng nghề của TP. Hà Nội đạt trên 20 nghìn tỷ đồng. Một số làng nghề thủ công mỹ nghệ có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ, sơn son thếp vàng Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề mộc Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng; làng nghề gốm sứ Bát Tràng đạt gần 2.000 tỷ đồng… Để có được những thành công trên, các làng nghề Hà Nội đã kết nối với các làng nghề, các địa phương cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của mình. Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công mỹ nghệ ở thủ đô còn liên kết với các làng nghề thủ công mỹ nghệ của các tỉnh thành khác để gia công sản phẩm hay gia tăng giá trị sản phẩm. Thực tế cho thấy, sự kết nối giữa làng nghề của Hà Nội với các tỉnh đã có từ lâu nhưng ở quy mô giữa các cơ sở, DN với nhau và tính liên kết còn yếu và không bền vững.
Ông Lưu Duy Dần cho hay, sự thiếu liên kết giữa các vùng, các cơ sở sản xuất chuyên sâu đã làm ảnh hưởng không nhỏ, khó khăn cho sự phát triển của các nghề thủ công. Để khắc phục yếu điểm này, theo ông Lưu Duy Dần, việc thực hiện được liên kết này không thể để mặc cho các cơ sở sản xuất tự tìm đến nhau như hiện nay mà cần có sự tổ chức, hướng dẫn kết nối. Trong đó, có những vấn đề vĩ mô như quy hoạch vùng nguyên liệu, khai thác và chế biến nguyên liệu. Cùng với đó là các vấn đề cụ thể như sản xuất máy cầm tay và các thiết bị kỹ thuật dùng trong sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Ở khía cạnh phát triển du lịch làng nghề, ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - nhận định: Trong bối cảnh Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang trở thành một địa điểm du lịch mới hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế và một số sản phẩm làng nghề xuất khẩu của Hà Nội được đánh giá cao như: mây tre đan, đồ thủ công mỹ nghệ, sơn mài, chạm khảm… thì việc giải quyết những khó khăn thách thức tồn đọng được đặt ra là vô cùng cấp bách. Tuy nhiên, giải pháp hiệu quả nhất chính là tăng cường kết nối DN với phát triển du lịch làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. DN chính là đơn vị nắm được nhu cầu, nắm được sở thích cũng như thói quen mua sắm của đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, DN cũng hiểu được sự hiệu quả từ việc khai thác các yếu tố then chốt của làng nghề truyền thống làm hấp dẫn du khách. Đặc biệt, DN có nguồn vốn dồi dào chính là nhà đầu tư tốt nhất, tiềm năng nhất để cải tạo, phát triển làng nghề theo hướng du lịch.
Cũng theo ông Trần Đức Hải, việc tăng cường kết nối DN và du lịch làng nghề cần có những bước tiến dài hơn nữa trong chỉ đạo và điều hành của các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Đồng thời, cần có sự chung tay hành động của tất cả các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, DN và cộng đồng dân cư.