Đây là đánh giá của ông Shimizu Akira – Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam trong thông điệp về thực hiện năm tài khóa 2021 của tổ chức này.
Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam - ghi nhận, trước khi xuất hiện dịch COVID-19, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng ổn định do tiêu dùng trong nước và xuất nhập khẩu tăng mạnh. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế năm 2019 là 7,01%, mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Đồng thời, Việt Nam tự hào là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu trong khu vực ASEAN. Trên trường quốc tế, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, khẳng định vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Các hoạt động của JICA tại Việt Nam cũng đã có những chuyển biến mới. Trong đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tất cả các Tình nguyện viên (TNV) JICA đang hoạt động tại Việt Nam đã phải tạm trở về Nhật Bản, nhưng Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới được JICA đưa TNV quay trở lại. Hai hiệp định vốn vay ODA được ký kết sau gần 3 năm không có hiệp định mới, và JICA bắt đầu triển khai dự án hợp tác kỹ thuật thúc đẩy tăng cường tiếp cận thị trường vốn quốc tế...
Song song với công tác phòng dịch COVID-19, các dự án đang triển khai cũng có những chuyển biến tích cực, trong đó phải kể đến các thành tích như: Cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 TP Hà Nội đã thông xe, các đoàn tàu metro đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh Tuyến số 1 đã được vận chuyển từ Nhật Bản.
Theo ông Shimizu Akira, bước sang năm 2021, cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 lây nhiễm nhanh hơn khiến tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp. Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy khó khăn chung của thế giới trong phòng chống dịch.
Trước bối cảnh hiện tại, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo phương châm của Chính phủ Việt Nam là "cân bằng giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế", ông Shimizu Akira - cho biết, JICA sẽ tập trung hợp tác trong các lĩnh vực: Y tế, đầu tư công và phát triển nguồn nhân lực.
Theo đó, đối với lĩnh vực y tế, thời gian qua, JICA đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực y tế với nhiều thành tựu đáng kể trong hai ưu tiên trọng điểm là "Tăng cường hệ thống y tế nòng cốt cho các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy” và "Tăng cường các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm". Những hỗ trợ này của JICA cùng với việc tăng cường hệ thống xét nghiệm cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh... đã góp phần vào thành công trong việc ngăn ngừa sớm sự lây lan của dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Từ tháng 2/2020, JICA đã phối hợp với các cơ quan đối tác kịp thời nắm bắt nhu cầu cấp thiết của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, qua đó tiến hành viện trợ sinh phẩm và các thiết bị y tế như máy ECMO, hỗ trợ in sổ tay “Quy trình thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn” do Bệnh viện Chợ Rẫy và chuyên gia JICA biên soạn.... Bên cạnh đó, JICA cũng đang nghiên cứu các hợp tác hỗ trợ Việt Nam tăng cường hơn nữa các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh từ biên giới và tiêm vaccine phòng COVID-19 do xuất hiện nhiều biến chủng virus SARS-CoV-2 mới gần đây.
Ngoài ra, JICA tiếp tục triển khai các dự án y tế trên cơ sở Bao phủ Chăm sóc Sức khỏe toàn dân (UHC), trong đó có thể kể đến các hợp tác như: tăng cường dịch vụ y tế cơ sở như triển khai Sổ tay theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn quốc, xây dựng hệ thống giám sát quản lý và điều trị HIV, phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu chính sách về Già hóa dân số tại Việt Nam... Ông Shimizu Akira - thông tin, JICA sẽ thúc đẩy tăng cường các hợp tác trong lĩnh vực y tế theo hướng tăng cường sâu rộng hơn nữa, đồng thời tận dụng những kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được tại Việt Nam để chia sẻ, chuyển giao cho các nước khác.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, JICA sẽ tập trung thúc đẩy các dự án đầu tư công và coi đây là một biện pháp kích thích nền kinh tế phát triển. Cho đến nay, JICA đã hỗ trợ xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, năm cảng quốc tế, nhiều nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống đường sắt.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn thiện không chỉ mang lại cuộc sống thuận tiện hơn cho người dân mà còn góp phần thu hút đầu tư nước ngoài. "Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng mở rộng đầu tư, chuyển dịch về các thành phố trực thuộc tỉnh và các địa phương khác, đặc biệt, khi Việt Nam chủ trương đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội tại các tỉnh và địa phương trở thành nhiệm vụ rất quan trọng"- ông Shimizu Akira nhấn mạnh.
Về phát triển nguồn nhân lực, ông Shimizu Akira - cho rằng, đây là cơ sở của mọi hợp tác của JICA nhằm phát triển nguồn nhân lực xây dựng đất nước giàu mạnh. Bởi, khi thế giới đang điều chỉnh lại chuỗi cung ứng do tác động của dịch COVID-19, phát triển nguồn nhân lực càng trở nên quan trọng.
Thời gian qua, JICA đã triển khai một số dự án quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực là: Dự án tại trường Đại học Công nghiệp và Dự án tại Viện phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC). Đại học Việt Nhật đã tổ chức các khóa học liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước trong tương lai. Ngoài ra còn có Dự án tại Đại học Cần Thơ nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu các vấn đề của khu vực và phát triển nguồn nhân lực tại địa phương.
Ngoài những hỗ trợ kể trên, tính đến nay đã có hàng nghìn thanh niên, sinh viên Việt Nam tham gia các chương trình giao lưu, đào tạo và du học tại Nhật Bản. Sau khi trở về nước, họ đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam.
Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam. "Hướng tới sự kiện này, JICA sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên cả hai phương diện phần cứng (xây dựng cơ sở vật chất) và phần mềm (hợp tác kỹ thuật), xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi và cùng phát triển"- ông Shimizu Akira cho hay.