Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy Tổng thống Italy chủ trì Lễ tiễn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân |
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chủ quyền lương thực và Lâm nghiệp Italy Francesco Lollobrigida - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Italy; hoan nghênh và tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại giữa hai nước nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Thủ tướng và Bộ trưởng vui mừng nhận thấy hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, đạt kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Hiện Italy là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong EU (sau Đức và Hà Lan); Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN (kim ngạch thương mại đạt hơn 6 tỷ USD năm 2023). Trong năm 2023, hai nước đã tổ chức thành công kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 10 năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023).
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có các tiếp xúc với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima (tháng 5/2023) và Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Bỉ tháng (12/2022).
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, để phát huy các thế mạnh của mỗi bên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, cũng như triển khai các chương trình hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nhân lực, văn hóa - du lịch – thể thao và thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hai nước, vì mục tiêu phát triển của mỗi nước và góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Chủ quyền Lương thực và Lâm nghiệp Italy đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác; đề nghị hai Bộ cụ thể hóa, triển khai hiệu quả để tạo bước tiến mới trong hợp tác nông nghiệp, vượt qua các khó khăn, giải quyết các vướng mắc, hướng tới cân bằng hơn về thương mại, phát huy được các tiềm năng của mỗi bên, cùng thắng, cùng có lợi.
Thủ tướng đề nghị hai Bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm cùng ứng phó và giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng đề nghị chú trọng hợp tác chế biến sâu nông sản, chuyển giao công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, kết nối doanh nghiệp hai nước, phát triển kinh tế nông nghiệp. Việt Nam sẵn sàng chào đón sự hiện diện nhiều hơn của các nông sản Italy để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam.
Cho biết Việt Nam là nước đầu tiên triển khai chương trình 1 triệu ha lúa phát thải thấp, chất lượng cao tại đồng bằng sông Cửu Long, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, kết nối hợp tác giữa các vùng của hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thủ tướng cũng đề nghị phía Italy thúc đẩy EU sớm dỡ bỏ thẻ vàng về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với thủy sản Việt Nam và thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Thủ tướng đề nghị hai Bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm cùng ứng phó và giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; cùng triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Tuyên bố JETP về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam và các nước G7 (Việt Nam là một trong ba đối tác của G7 trong thực hiện JETP).
Bộ trưởng Francesco Lollobrigida khẳng định cả hai nước đều có truyền thống văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng và chia sẻ nhiều giá trị chung - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối, phối hợp thúc đẩy quan hệ Đối tác phát triển giữa Italia và ASEAN - khu vực tâm điểm tăng trưởng hiện nay; cũng như thúc đẩy quan hệ giữa Italy với các nước châu Phi và các nước khác qua mô hình hợp tác 3 bên trong đảm bảo an ninh lương thực.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chủ quyền lương thực và Lâm nghiệp Italy Francesco Lollobrigida khẳng định cả hai nước đều có truyền thống văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng và chia sẻ nhiều giá trị chung. Việt Nam đã cho thế giới thấy truyền thống hào hùng của mình khi luôn kiên cường chiến đấu chống lại mọi kẻ thù, kể cả là những siêu cường, để bảo vệ đất nước và ngày nay, Việt Nam ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trên thế giới.
Đánh giá cao những thành tựu trong quan hệ song phương 50 năm qua, Bộ trưởng cho rằng 50 năm tới trong quan hệ hai nước sẽ còn quan trọng hơn nữa, trong đó việc ký kết và triển khai bản ghi nhớ về nông nghiệp rất có ý nghĩa.
Bộ trưởng chia sẻ quan điểm về những thách thức toàn cầu hiện nay như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, những biến động trên thế giới đặt ra những vấn đề cấp bách trong bảo đảm an ninh lương thực và quyền tiếp cận lương thực cho người dân, yêu cầu cải tổ, hiện đại hóa quy trình sản xuất nông nghiệp để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm môi trường sống.
Đánh giá Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh to lớn về nông nghiệp, Bộ trưởng khẳng định Italy sẵn sàng chia sẻ, trao đổi với Việt Nam về kinh nghiệm, công nghệ, máy móc, các thành tựu giống cây trồng, vật nuôi để phát triển nông nghiệp bền vững, phát thải thấp, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, hướng nhiều hơn các thị trường chất lượng cao. Các trường đại học của Italy cũng sẵn sàng tăng cường hợp tác đào tạo sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng, Đại sứ quán Italy tại Việt Nam là 1 trong 8 phái đoàn ngoại giao của nước này trên thế giới có tùy viên về nông nghiệp, vị trí tùy viên nông nghiệp của Italy chỉ có tại nhưng nước phát triển mạnh như Mỹ hay Trung Quốc, điều này cho thấy sự quan tâm hợp tác nông nghiệp với Việt Nam.
Italy muốn trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam trong EU về nông nghiệp, Bộ trưởng khẳng định và cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, nhất là trong những nội dung mà Thủ tướng đã có ý kiến; mong muốn có nhiều hơn những sản phẩm nông nghiệp Italy có mặt tại Việt Nam cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bộ trưởng cho rằng đoàn thanh tra của EU có thể sẽ tiếp tục có những đánh giá tích cực hơn nữa trong thời gian tới về các biện pháp chống khai thác IUU của Việt Nam; cho biết sẽ tích cực thúc đẩy các cơ quan liên quan của EU trong việc gỡ thẻ vàng với thủy sản Việt Nam trong thời gian sớm nhất.