Hệ thống cửa khẩu dọc biên giới Việt Nam - Lào dài hơn 2.000km, bao gồm 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính và 18 cửa khẩu phụ, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại và dịch vụ. Trong đó có thể kể đến một số cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu nổi bật như Lao Bảo, Cầu Treo và Bờ Y.
Cửa khẩu Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh) nằm trong danh sách 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm giữa hai nước. Cầu Treo hiện đã trở thành điểm chính thu hút giao thương với nước bạn Lào, đặc biệt là thông qua cửa khẩu Nam Phao (Nậm Phao) .
Cửa khẩu Lao Bảo thuộc huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, quy chế, biện pháp và chính sách. Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và cửa khẩu quốc tế Den Savanh (Đen Sạ Vẳn, Lào) là một nút quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Đến hết năm 2023, khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo thu hút trên 880 tỷ đồng từ ngân sách đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng với 50 công trình; đồng thời thu hút gần 3.700 tỷ đồng của doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh với gần 60 dự án.
Một cửa khẩu khác cũng có sự giao lưu thương mại sôi động giữa hai nước là cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum). Đây là nút giao thông cuối cùng trên tuyến quốc lộ 40 của Việt Nam tiếp giáp với quốc lộ 11 của Lào.
Theo thống kê đến cuối năm 2023, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã thu nộp ngân sách nhà nước 313,4 tỷ đồng, vượt 6,97% so với kế hoạch được giao.
Giao thương qua các cửa khẩu Việt Nam - Lào đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước. Với hệ thống cửa khẩu ngày càng được hoàn thiện và tiềm năng hợp tác to lớn, giao thương Việt Nam - Lào hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.