Tăng trưởng tiềm năng của kinh tế toàn cầu đã bị giáng một đòn mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính ở phần lớn các châu lục do đầu tư của khu vực tư nhân giảm mạnh và hiện vẫn chưa được vãn hồi như mức trước 2008. Tình hình này đang gây nhiều áp lực cho các Chính phủ trong việc tìm kiếm các biện pháp kích cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF cảnh báo.
Trong chương III, phân tích báo cáo về tình hình kinh tế thế giới công bố tuần trước, Quỹ tiền tệ quốc tế giải thích rằng tăng trưởng tiềm năng là thước đo tốc độ các nền kinh tế tăng nhanh như thế nào với lạm phát ổn định.
Thị trường của các nước phát triển đã suy giảm trước khi Lehman Brothers sụp đổ do dân số già và suy giảm về cải tiến công nghệ.
Xu hướng này càng trầm trọng thêm trong thời kỳ khủng hoảng, do đầu tư của khu vực tư nhân và tăng trưởng việc làm giảm mạnh. Trong Chương IV của báo cáo này cũng đã phân tích các diễn biến đầu tư của khu vực tư nhân, IMF cho biết, đầu tư của khu vực này đã giảm trung bình 25% ở các nước phát triển kể từ trước cuộc khủng hoảng được dự báo trước, và cho tới nay sự phục hồi vẫn còn khiêm tốn.
Giữa các năm 2008 và 2014, tăng trưởng tiềm năng ở các quốc gia phát triển chỉ đạt 1,3% và hy vọng mức tăng trưởng sẽ được cải thiện chút ít ở mức 1,6% trong giai đoạn 2015-2020. Tỉ lệ tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức 2,3% giai đoạn 2001 – 2007.
Tại các nước công nghiệp phát triển, tăng trưởng việc làm đang giảm và có thể sẽ tiếp tục giảm do các yếu tố về dân số, mặt khác việc tăng trưởng vốn cũng vẫn tiếp tục ở mức thấp hơn so với trước khủng hoảng, thậm chí ngay cả khi sản xuất và đầu tư phục hồi sau đó, các chuyên gia giải thích.
IMF cảnh báo, ở một số nền kinh tế, đặc biệt là khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản, nhu cầu tiêu thụ thấp kéo dài có thể làm xói mòn hơn nữa nguồn cung việc làm cũng như đầu tư và vì vậy ảnh hưởng đến tăng trưởng tiềm năng.
Đối với trường hợp các thị trường đang nổi, dự báo tăng trưởng tiềm năng sẽ giảm sâu hơn từ mức trung bình 6,5% giữa các năm 2008 và 2014, giảm 2% so với tiền khủng hoảng và trong 5 năm tới được dự báo là sẽ ở mức 5,2%.
Một sự suy giảm tiềm năng về việc làm và tăng trưởng về tích lũy tư bản thấp hơn trước khủng hoảng là các yếu tố chính giải thích xu hướng này.
Các nhà kinh tế của IMF chỉ ra rằng, sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc có thể sâu hơn do việc tái cân bằng cơ cấu tăng trưởng từ đầu tư sang tiêu thụ đang thực hiện ở nền kinh tế lớn thứ II thế giới này.
Sự lan tỏa
Theo IMF, triển vọng hạn chế đối với tăng trưởng tiềm năng trong trung hạn sẽ có các tác động quan trọng đối với chính sách ở các thị trường phát triển. Một sự tăng trưởng tiềm năng thấp sẽ gây khó khăn tới việc làm giảm nợ công và nợ của khu vực tư nhân đang ở mức rất cao, nó cũng có thể liên quan đến cân bằng tỉ lệ lãi suất thực tế đang ở mức rất thấp. Điều đó có nghĩa là chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế phát triển một lần nữa có thể sẽ phải đối mặt với vấn đề giới hạn của tỉ lệ lãi suất thấp hơn 0, nếu có các cú shocks bất lợi cho tăng trưởng, các chuyên gia khẳng định.
Người cho vay nhận xét rằng, cần phải tiếp tục duy trì hỗ trợ kích cầu để làm giảm các tác động do nhu cầu yếu kéo dài về đầu tư và tăng trưởng vốn, cũng như thất nghiệp cơ cấu. Ngoài ra IMF cũng khuyến nghị, tiến hành thực hiện các cải cách để có thể làm tăng nguồn cung như cải cách đối với thị trường sản phẩm, đồng thời tăng chi tiêu cho nghiên cứu, phát triển, giáo dục và hạ tầng
Ở các quốc gia đang nổi, một sự tăng trưởng tiềm năng thấp sẽ là thách thức lớn đối với việc khấu hao tài chính.
IMF kêu gọi Chính phủ các nước này tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để loại bỏ các nút thắt cổ chai chính yếu nhất và tiến hành áp dụng các cải cách cơ cấu để cải thiện hơn nữa điều kiện của các doanh nghiệp, thị trường các sản phẩm và giáo dục.