Thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến cải thiện đáng kể |
“Tôi xin chúc mừng Việt Nam và Liên minh châu Âu nhân dấu mốc quan trọng này. Đây là một ví dụ tuyệt vời cho thấy có thể cân bằng giữa các hiệp định thương mại tự do và phát triển bền vững thông qua cam kết chung hướng đến tôn trọng và thực thi các nguyên tắc trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, nhằm đảm bảo việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người,” Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee, cho biết.
Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động yêu cầu tất cả 187 quốc gia thành viên của ILO tôn trọng và thúc đẩy tự do hiệp hội và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.
Những quyền phổ quát này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO, theo đó Việt Nam đã phê chuẩn 6/8 công ước. Mới đây, trong tháng 6/2019, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu với mức độ đồng thuận cao, nhất trí phê chuẩn Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Thương lượng tập thể là việc tập thể lao động thảo luận, đàm phán với người sử dụng lao động nhằm mục đích xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; xác lập các điều kiện lao động mới làm căn cứ để tiến hành ký kết thoả ước lao động tập thể; giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Theo ông Chang-Hee Lee, người lao động, công đoàn và người sử dụng lao động Việt Nam đã chứng minh ý chí và năng lực có thể thực hiện thương lượng tập thể thực chất, với những ví dụ điển hình gần đây về sự phát triển vượt bậc của thương lượng tập thể đa doanh nghiệp trong ngành điện tử tại Hải Phòng, ngành du lịch tại Đà Nẵng, và ngành chế biến gỗ tại Bình Dương. Việc phê chuẩn Công ước 98 sẽ đẩy mạnh hơn nữa thương lượng tập thể thực chất để có được những giải pháp đem lại lợi ích cho tất cả các bên tại nơi làm việc ở Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến điều kiện làm việc tốt hơn, năng suất lao động cao hơn, và sự phồn thịnh được chia sẻ công bằng, góp phần mang lại phát triển bền vững.
Được biết, Chính phủ Việt Nam cũng đã có kế hoạch từng bước hướng tới phê chuẩn hai công ước cơ bản còn lại – Công ước 105 về lao động cưỡng bức và Công ước 87 về tự do hiệp hội – lần lượt vào năm 2020 và 2023.
Một lần nữa TS. Lee chia sẻ: Tôi thực sự vui mừng được chứng kiến những bước tiến quan trọng của Việt Nam nhằm đáp ứng những thách thức của thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng, cũng như để thực hiện các cam kết quốc tế. Đồng thời, ông cũng tái khẳng định, ILO cam kết hỗ trợ Chính phủ, các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động và người lao động thực hiện cải cách pháp luật lao động và quan hệ lao động.
Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee: Tôi tin Việt Nam sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ này vì tương lai của chính mình – một tương lại được xây dựng dựa trên năng suất lao động cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, dựa trên sự chia sẻ công bằng các thành quả kinh tế, dựa trên bình đẳng, ghi nhận tiếng nói của người lao động và người sử dụng lao động, và ổn định chính trị – xã hội. |