Báo cáo mới công bố của IFC cho thấy tăng cường nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID- 19 và biến đổi khí hậu là mục tiêu thực hiện quan trọng nhất mà IFC thực hiện ở Đông Á và Thái Bình Dương trong năm tài chính qua. Nguồn tài chính bao gồm 2,8 tỷ USD tài trợ dài hạn từ nguồn vốn của IFC và 956 triệu USD huy động từ các nhà đầu tư bên ngoài. IFC cũng đã tài trợ ngắn hạn lên tới 1,5 tỷ USD tại khu vực này để thúc đẩy các hoạt động thương mại.
IFC tăng cường hỗ trợ ứng phó với đại dịch COVID- 19 tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam |
Ngoài các khoản tài trợ nói trên, IFC cũng đã cam kết 1,9 tỷ USD cho các nỗ lực ứng phó với COVID-19 kể từ thời điểm đại dịch bắt đầu bùng nổ ở Đông Á- Thái Bình Dương để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung trang thiết bị y tế trầm trọng ở các nước đang phát triển. Cam kết 3 tỷ USD để giúp các định chế tài chính trong khu vực tăng cường hỗ trợ các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Thực tế cho thấy các MSME vốn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn của đại dịch, chiếm tỷ lệ đa số các DN trong khu vực và sử dụng nhiều lao động nhất. Có 26% số dự án, giá trị lên tới 744 triệu USD tài trợ dài hạn, hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và rác thải nhựa đại dương. Trong khi Đông Á- Thái Bình Dương đóng góp 30% GDP toàn cầu và chiếm 30% dân số thế giới, khu vực này phát thải 60% lượng khí nhà kính trên toàn cầu và có nhiều nguồn phát thải rác thải nhựa đại dương lớn nhất.
Bà Kim See Lim - Giám đốc Khu vực Đông Á- Thái Bình Dương chia sẻ, trước tác động tàn phá của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, IFC sẽ tiếp tục tập trung khai thác năng lực của khu vực tư nhân để thúc đẩy quá trình hồi phục xanh, bền vững và bao trùm ở Đông Á- Thái Bình Dương. Cùng với Kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới, một lộ trình thông minh về khí hậu sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu tạo việc làm và thịnh vượng chung trong khu vực. Tái thiết mạnh mẽ hơn là phương thức duy nhất để thúc đẩy phục hồi của khu vực sau khủng hoảng, đi kèm với việc ưu tiên năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, đẩy mạnh trái phiếu xanh và trái phiếu bảo vệ đại dương, và thành phố thông minh.