Người dân từ không đồng tình…
Nhận thấy những hạn chế trong phát triển nông nghiệp của tỉnh một phần do có quá nhiều những mảnh ruộng nhỏ, theo đó mỗi hộ nông dân có hàng chục mảnh ruộng, lại được rải đều trên nhiều địa bàn, khó áp dụng cơ giới hóa trong SXNN và nâng cao năng suất nông sản. Năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tiếp tục thực hiện công tác DTĐR trong nông nghiệp trên địa bàn.
Những mảnh ruộng to thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất |
Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 11-CT/TU, Huyện ủy Vĩnh Tường đã ban hành Nghị quyết số 07 về DTĐR giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, tổ chức hội nghị quán triệt đến cán bộ chủ chốt các huyện, xã, thị trấn về các nội dung trong Chỉ thị và Nghị quyết. Từ đó, thành lập các tổ công tác DTĐR đến tận các xã, ban hành các văn bản chỉ đạo, thường xuyên tổ chức các hội nghị, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 07 và Chỉ thị 11 của Tỉnh ủy.
Thời gian đầu, người dân chưa đồng thuận và đưa ra rất nhiều lý do không ủng hộ chủ trương, nhưng nhờ phương châm “mưa dầm thấm lâu”, huyện Vĩnh Tường đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Điển hình là phát băng ghi hình, ghi âm về kinh nghiệm DTĐR ở các địa phương trên cả nước, cũng như những hiệu quả thiết thực mà chủ trương này mang lại, mục đích để người dân hiểu và đồng thuận. Cùng với đó, tổ chức cho các cán bộ và đại diện nhân dân đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm DTĐR tại các địa phương đã thực hiện thành công như Thủ đô Hà Nội.
Với những thôn, xóm có nhiều hộ dân chưa đồng thuận chủ trương DTĐR, sẽ có những cán bộ thôn phối hợp với đoàn thể đến tận nhà để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng và tuyên truyền, vận động để họ hiểu được mục đích, ý nghĩa tích cực của chủ trương DTĐR. Đó là, tạo ra những cánh đồng lớn, thửa ruộng lớn bằng phẳng, đồng nhất, có hệ thống bờ vùng, bờ thửa, hệ thống tưới tiêu khoa học, hợp lý, thuận tiện, nâng cao hiệu quả SXNN, tạo thuận lợi cơ giới hóa, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tiến tới sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi và tăng thu nhập cho người nông dân trên một đơn vị diện tích. Góp phần chuyển dịch, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu trong lao động nông nghiệp…
Người dân đồng thuận với chủ trương Dồn thửa đổi ruộng |
… đến ủng hộ chủ trương và hiến đất làm đường
Phương châm “Mừa dầm thấm lâu” đã mang lại hiệu quả tích cực, người dân từ việc không đồng tình, nhưng nhờ sự vận động, tuyên truyền của cán bộ thôn, xã, huyện, tỉnh đã hiểu và đồng tình với những chủ trương lớn của địa phương.
Kết quả, xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường) đã có 10/10 thôn, xóm tiến hành DTĐR với 1.034 hộ tham gia. Sau DTĐR, xã còn 1.817 thửa, giảm 5.323 thửa so với trước đây. Bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,76 thửa, giảm đến 3-4 thửa so với trước khi thực hiện. Đặc biệt, nhiều hộ dân còn tự nguyện hiến đất làm đường, mương nội đồng với diện tích hơn 11ha
Theo Bí thư Đảng ủy xã Cao Đại Đỗ Thị Sáng, để việc DTĐR đạt hiệu quả, xã đã liên tục về các thôn để họp, xin ý kiến nhân dân về các nội dung liên quan đến chủ trương này, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch. Các cán bộ xã, thôn, đảng viên cũng được giao nhiệm vụ cụ thể và xung phong nhận các vị trí ruộng xấu hơn, nhường ruộng tốt, ruộng đẹp cho người dân.
Tương tự, Bí thư Đảng ủy xã Phú Đa Trần Xuân Đình cho biết, công tác DTĐR của địa phương đạt được những thành công bước đầu. Sau DTĐR, xã còn 2.345 thửa, giảm 4.942 thửa, bình quân mỗi hộ còn 2,62 thửa.
“Phú Đa trở thành xã thứ ba hoàn thành, nhưng lại là địa phương có tổng diện tích DTĐR nhiều nhất với hơn 390 ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích đã DTĐR toàn huyện Vĩnh Tường” – ông Trần Xuân Đình cho biết thêm.
Việc DTĐR cũng tạo cơ hội cho nông dân đầu tư tiền của để cơ giới hóa SXNN. Bà Lê Thị Hoa - Giám đốc HTX nông nghiệp xã Ngũ Kiên - cho biết, ngay khi có chủ trương DTĐR, một hộ dân trong xã đầu tư 4 máy làm đất 40HP, 4 máy cấy, 1 giàn gieo mạ khay, 2 máy gặt đập liên hợp. Xã xây dựng thành công mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa với diện tích 100ha, cho giá trị thu nhập cao.
Có thể khẳng định, thành công DTĐR của huyện Vĩnh Tường xuất phát từ việc làm vì lợi ích của bà con nông dân và sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong giải quyết các phát sinh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện với nguyên tắc: “Dân chủ, công khai, minh bạch, không ngại khó, ngại va chạm”. Qua đó tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Đặc biệt, sau DTĐR nông dân Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung tới đây sẽ thay đổi nhận thức, thói quen trong SXNN; các khâu từ làm đất, gieo cấy, thu hoạch sẽ đều được áp dụng cơ giới hóa, không chỉ giúp giảm chi phí, giải phóng sức lao động mà còn nâng cao năng suất cây trồng, mang lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân. Đây cũng được coi coi là bước khởi đầu mới cho phát triển nông nghiệp cao tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan: Thành công trong công tác “Dồn thửa đổi ruộng” giúp huyện Vĩnh Tường có điều kiện tốt nhất để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Trở thành nơi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch, có thương hiệu, có giá trị cao cho thị trường Hà Nội, TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), TP. Việt Trì (Phú Thọ)… cũng như các khu công nghiệp và hoạt động xuất khẩu. |