Bài học đắt giá
Đêm 12 rạng sáng 13/9, vụ cháy chung cư mini ở ngách 29/7, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 56 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Sự cố đáng tiếc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội về công tác phòng, chống cháy nổ, đặc biệt là đối với loại hình chung cư mini, các khu nhà trọ, các khu tập thể được người dân cơi nới, gia cố thêm “chuồng cọp”, “lồng sắt” vốn đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đây cũng là bài học đắt giá trong công tác quản lý xây dựng khi mà công trình được cấp phép chỉ 6 tầng 1 tum, nhưng đã xây dựng tới 9 tầng và đi vào hoạt động nhiều năm, dù đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế phần công trình vi phạm.
Trong bức tranh tổng thể còn nhiều hạn chế, huyện Thanh Trì đang làm tốt công tác quản lý xây dựng như “gương sáng” cho các địa phương học tập, noi theo. Ảnh: UBND huyện Thanh Trì. |
Sau khi sự cố xảy ra, UBND TP. Hà Nội yêu cầu tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, an toàn điện, an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với 100% chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, công khai, minh bạch, bảo đảm khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Việc chỉ đạo tổng kiểm tra và mở rộng ra cả công tác chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng… của UBND TP. Hà Nội là rất kịp thời, cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố trong việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Kết quả kiểm tra tới đây sẽ giúp làm sáng tỏ những mảng tối trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn Thủ đô vốn phức tạp, có nhiều dư luận xấu, đặc biệt là đối với các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa…; các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm…
Nó cũng sẽ giúp đưa ra ánh sáng những “con sâu làm rầu nồi canh” đã “đếm xe cát”, “chống lưng”, “bảo kê” cho công trình vi phạm, khiến những cán bộ thanh tra xây dựng, địa chính, lãnh đạo địa phương liêm khiết, hết lòng vì nhân dân phục vụ bị mang tiếng xấu.
“Gương sáng” trong quản lý trật tự xây dựng
Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho biết, năm 2016, tỷ lệ công trình vi phạm trên địa bàn thành phố chiếm 13,9% (2.469/19.138 công trình).
Năm 2017, con số này giảm còn 10,99% (1.916/17.422 công trình); năm 2018 còn 5,28% (891/16.885 công trình); năm 2019 còn 3,07% (605/19.697 công trình) và năm 2020 giảm còn 2,13% (402/18.878 công trình).
Năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài nên hoạt động xây dựng cũng bị ảnh hưởng. Tới năm 2022, tỷ lệ công trình vi phạm giảm xuống còn 1,67% (320/19.211 công trình).
Dù tỷ lệ công trình vi phạm giảm liên tục trong 6 năm, song vẫn diễn biến phức tạp, dẫn tới dư luận xấu tại nhiều địa phương. Giữa bức tranh tổng thể còn nhiều hạn chế ấy, nổi bật lên huyện Thanh Trì đã, đang làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng là “gương sáng” cho các địa phương khác học tập, noi theo.
Dự án Đầu tư xây dựng Trường Trung cấp Y dược Hà Nội thuộc địa bàn xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Ảnh: Báo Thanh Tra. |
Cụ thể, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội đang trong quá trình phát triển lên quận, tốc độ đô thị hoá cao, giá trị đất tăng nhanh và nóng, nhu cầu xây dựng thêm tầng để sinh sống và kết hợp kinh doanh tăng mạnh. Đây có thể xem là một địa phương khá nóng và tiềm ẩn những vi phạm phức tạp liên quan tới đất đai, trật tự xây dựng…
Tuy nhiên, do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nên công tác quản lý xây dựng tại 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Trì cơ bản đi vào nề nếp; tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện gần như không có trong thời gian qua.
Theo báo cáo kết công tác quản lý trật tự xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 của UBND huyện Thanh Trì, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn huyện có 221 công trình đang thi công, trong đó có 2 dự án, 219 nhà riêng lẻ.
Qua kiểm tra, chỉ có 2 trường trường hợp vi phạm. Đó là hộ ông Phạm Văn Tươi (ở Khu tập thể XN gạch Đại Thanh, huyện Thanh Trì) và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển Thương mại Kinh Đô.
Theo báo cáo, hộ ông Phạm Văn Tươi đã tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Còn Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển Thương mại Kinh Đô có hành vi vi phạm “mất mốc giới được giao” tại khu đất X1, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì. Cả 2 trường hợp này đều đã bị xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả.
Huy động báo chí, nhân dân cùng vào cuộc
Để đạt được kết quả như trên, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Thanh Trì đã bám sát chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố, đã cụ thể hoá các chỉ đạo của cấp trên bằng các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nên công tác quản lý xây dựng tại 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Trì cơ bản đi vào nề nếp. Ảnh: Báo Dân trí. |
Bên cạnh đó, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Thanh Trì còn xác định công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn huyện là nhiệm vụ trọng tâm và đặc biệt chú trọng quan tâm; yêu cầu trưởng các phòng, ban, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn ký cam kết về trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trước lãnh đạo UBND huyện.
Theo báo cáo, UBND huyện còn ban hành các quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ UBND các xã trong việc xử lý vi phạm liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng, đơn thư. "Chính vì vậy, công tác quản lý trật tự xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực; không có điểm nóng, điểm phức tạp giữ ổn định tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn huyện", báo cáo của huyện Thanh Trì đánh giá.
Bản đồ hành chính huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Ảnh: UBND huyện Thanh Trì. |
Đối với công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự xây dựng, báo cáo của UBND huyện Thanh Trì cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; huy động sự vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, cơ quan thông tấn, báo chí về quản lý trật tự xây dựng.
Ngoài ra, UBND huyện còn mở lớp tập huấn công tác xử lý vi phạm hành chính cho các phòng ban, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn, buổi tập huấn do Sở Tư pháp giải đáp khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Dù đạt được kết quả tốt trong công tác quản lý trật tự xây dựng, song báo cáo của UBND huyện Thanh Trì cũng thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra tồn tại là những vi phạm từ nhiều năm về trước có vướng mắc do cơ chế, chính sách.
Đối với nội dung này, hiện "Huyện uỷ, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng của huyện cùng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, thị trấn có vi phạm tập trung giải quyết xử lý theo quy định”, báo cáo của UBND huyện Thanh Trì cho biết.