Tỷ lệ hộ nghèo tại Nghệ An giảm 3,07% mỗi năm Công tác giảm nghèo năm 2020: Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1 - 1,5% |
Là một huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, được thành lập vào năm 2013 trên cơ sở sát nhập 10 xã thuộc huyện Mường Nhé và 5 xã của huyện Mường Chà. Địa bàn thuộc huyện Nậm Pồ quản lý đều nằm gần ở khu vực biên giới, địa hình chia cắt kinh tế khó khăn nhất là vào mùa mưa lũ.
Toàn huyện Nậm Pồ có 15 xã, trong đó 8/15 xã biên giới, 14/15 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, với 131 thôn, bản; dân số trên 5 vạn người, trong đó trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ giảm nghèo theo tiêu chí cũ của toàn huyện còn 51,74%.
Nhiều chính sách giúp người dân thoát nghèo |
Nhằm giúp người dân thoát nghèo, ổn định đời sống, huyện Nậm Pồ đặt mục tiêu phấn đấu, đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện sẽ còn 30%, trung bình mỗi năm giảm 4%. Để đạt được mục tiêu này, huyện Nậm Pồ đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể huyện Nậm Pồ đã có nhiều đổi mới. Với vai trò lãnh đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn với chủ trương lãnh đạo của huyện là phát huy tối đa các lợi thế về đất đai, nhân lực, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, phát triển nghề rừng, dịch vụ, phát triển ngành chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc. Chỉ đạo chính quyền tham mưu xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng sản xuất theo điều kiện của từng vùng, triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển sản xuất; chỉ đạo các cấp ủy đảng nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu của đảng viên trong áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân…
UBND huyện đã có nhiều hoạt động cụ thể, tạo điều kiện cho người nghèo tìm được cơ hội để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, tổ chức kê khai đất nông nghiệp tạo thuận lợi cho nông dân có điều kiện đầu tư sản xuất lâu dài; cấp giấy phép kinh doanh cho các hộ kinh doanh cá thể; chỉ đạo thực hiện tốt công tác khai hoang, phục hóa; chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình dự án về xây dựng đường giao thông, hệ thống thủy lợi; tổ chức xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; thực hiện các chương trình hỗ trợ vốn, giống, cây con, tập huấn kiến thức, đào tạo nghề ngắn hạn; phối hợp tổ chức đưa người lao động đi học nghề và làm việc ngoài tỉnh… Trên cơ sở những hoạt động đó đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, đa dạng hóa các ngành nghề để người dân có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Nậm Pồ còn cao |
Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã hình thành nhiều cách nghĩ mới, cách làm hay, gương điển hình trong quá trình triển khai, thực hiện các chính sách về giảm nghèo bền vững. Điển hình như việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 30a, thay vì mua giống trâu, bò từ các cơ sở cung cấp ngoài tỉnh, UBND các xã đã hướng dẫn, định hướng người dân mua con giống ngay tại địa bàn của huyện. Trong đó, ưu tiên mua giống từ chính những hộ nghèo đã tham gia dự án những năm trước; thông qua đó vừa giải quyết được vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho hộ nghèo, vừa đảm bảo con giống có tỷ lệ sống cao vì đã thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu của địa phương, đồng thời giảm tối đa vốn đối ứng cho hộ nghèo.
Cùng với đó, mô hình “Tài chính tự quản” của phụ nữ các bản với hình thức đóng góp vốn từ những hộ tham gia và cho vay theo hình thức quay vòng không tính lãi giúp hàng trăm hộ nghèo có thêm nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh. Hay như mô hình chuyển đổi vườn tạp sang trồng các cây có giá trị, dễ tiêu thụ, như cây sả với hình thức khép kín từ khâu trồng, chế biến và tiêu thụ tinh dầu trên địa bàn xã Vàng Đán; mô hình trồng cam trên địa bàn xã Nậm Tin... đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Nỗ lực đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện sẽ giảm xuống còn 30% vào năm 2025, theo ông Nguyễn Xuân Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ: Những tháng đầu năm 2022, huyện đã xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch số 929/KH-UBND ngày 18/4/2022 về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững huyện Nậm Pồ năm 2022; Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện đã ban hành Kế hoạch số 1050/KH-BCĐ ngày 5/5/2022 về hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Nậm Pồ trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2022…
Trên cơ sở nguồn kinh phí được phép chuyển nguồn năm 2021 sang thực hiện năm 2022, huyện đã chủ động giao bổ sung cho các xã để triển khai thực hiện. Cụ thể, huyện được bố trí chuyển nguồn năm 2021 sang thực hiện năm 2022 là 2.363 triệu đồng để thực hiện Chương trình: Dự án 1 – Chương trình 30a – tiểu dự án 3: Hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo. Cùng với đó, thực hiện phân bổ cho 15 xã để thực hiện, cụ thể: Phân bổ 564,01 triệu đồng cho 15 xã để thực hiện hỗ trợ triển khai hoang phục hóa; phân bổ 1.326,987 triệu đồng cho 5 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới; phân bổ 472 triệu đồng cho xã Nà Hỳ thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo… phấn đấu đến hết năm 2022, trên cơ sở các chương trình, dự án được triển khai sẽ tác động tích cực đến đời sống nhân dân, góp phần thực hiện đạt mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo các cấp.
Huyện Nậm Pồ sẽ tiếp tục rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đang thực hiện trên địa bàn để xác định những chính sách phù hợp, qua đó, đề xuất điều chỉnh theo hướng mở rộng các chính sách kích thích sản xuất, khuyến khích người dân chủ động thoát nghèo. |