Giải pháp nào để huyện nghèo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới? Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao đời sống người dân |
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm
Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Số liệu thống kê cho thấy, huyện Võ Nhai có trên 17,7 nghìn hộ dân, với trên 75,4 nghìn nhân khẩu, trong đó bà con dân tộc thiểu chiếm tỷ lệ 73,28%. Toàn huyện có 12 xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, với tổng số trên 1,4 nghìn hộ, trong đó gần 990 hộ, với hơn 6.300 nhân khẩu dân tộc Mông, chiếm tỷ lệ 68%.
Từ năm 2010, khi mới bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Võ Nhai có tới 13/14 xã đặc biệt khó khăn có xuất phát điểm thấp, chỉ đạt bình quân 4 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo trên 43%. Riêng tại các xóm có đông đồng bào người dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 90%. Vì vậy, việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xóm có đông đồng bào dân tộc Mông gặp không ít khó khăn, nguyên nhân do khu vực này có tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiếp cận hướng phát triển kinh tế của người dân còn hạn chế, thu nhập bình quân thấp, dân cư sống phân tán.
Cây chè là một trong những cây trồng thế mạnh ở Võ Nhai |
Dù gặp những khó khăn bước đầu, tuy nhiên, nhờ việc xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, huyện Võ Nhai đã quyết liệt thực hiện các nội dung liên quan. Theo đó, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Võ Nhai đã ban hành quy định hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới của địa phương.
Đồng thời, huyện cũng triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tạo động lực cho cho người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Đến hết năm 2022, gần 50% hộ người dân tộc Mông có nhà bán kiên cố; 100% hộ dân có thể xem truyền hình, nghe đài phát thanh; 94% người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ học sinh dân tộc Mông trong độ tuổi đến trường là: THPT 56,7%, THCS 87,7%, tiểu học 98,1%, mầm non 82,1%... |
Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2021, huyện Võ Nhai đã đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ các xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong đó, riêng Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, huyện Võ Nhai đã hỗ trợ gần 23,7 tỷ đồng xây dựng 8 đường điện lưới Quốc gia; cứng hoá gần 44km đường từ xã xuống các xóm, trên 32km đường liên xóm, 2,1km kênh mương; xây dựng 10 nhà văn hoá đạt chuẩn, 8 công trình nước sạch… và hỗ trợ trên 8,2 tỷ đồng triển khai các dự án, mô hình sản xuất…
Theo ông Nông Minh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Nhai: Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp diện mạo các khu vực có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn huyện dần khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, với nguồn lực còn hạn chế, để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới tại các khu vực này, huyện rất cần thêm nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng...
Liên kết làm giàu
Là một xã khó khăn điển hình với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, vì vậy việc xây dựng nông thôn mới ở xã Liên Minh (huyện Võ Nhai) trở thành việc làm rất thiết thực, nhưng cũng là thách thức lớn đối với người dân ở Liên Minh.
Để hoàn thành chương trình này, xã Liên Minh đã tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế… Theo đại diện xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất có vai trò quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo nền tảng vững chắc thay đổi bộ mặt nông thôn.
Sau nhiều nỗ lực trong xây dựng và thực hiện các đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay Võ Nhai đã có 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao; dù vậy các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn và tồn tại những hạn chế nhất định.
Được biết, cây chè là một trong những cây thế mạnh nhưng từng bị bỏ quên ở Liên Minh. Tuy nhiên, kể từ khi Hợp tác xã chè Liên Minh được thành lập, hoạt động sản xuất được đưa vào khuôn khổ, mọi thứ dần thay đổi. Bà Hoàng Thị Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Liên Minh - cho hay: Sau gần 5 năm hoạt động, hiện hợp tác xã thu hút 50 thành viên, diện tích sản xuất đạt hơn 41ha, 100% canh tác theo tiêu chuẩn sạch. Trong số thành viên có 2/3 là phụ nữ và 50% là người dân tộc thiểu số.
"Ngoài đầu tư lò sao sấy chè, từ những kiến thức được học, cùng các khóa tập huấn của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên, hợp tác xã đã hướng dẫn các thành viên sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tích cực ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới. Nhờ vậy, thu nhập của thành viên tăng lên đáng kể. Hợp tác xã cũng tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương vào các mùa thu hoạch chè với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng" - đại diện Hợp tác xã Liên Minh thông tin.
Với những kết quả này, từ nay đến năm 2025, huyện Võ Nhai dự kiến tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng diện tích chè, cây ăn quả, phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn... Qua đó, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, sản xuất công nghiệp, chế biến nông lâm sản.
Cùng với đó, huyện Võ Nhai sẽ tranh thủ nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khai thác và sử dụng tốt các nguồn vốn. Phát huy vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp trong liên kết, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số.
Được biết, năm 2023, huyện Võ Nhai đặt mục tiêu đầu tư gần 39 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn huyện đã có 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã đạt 18 tiêu chí. |