Khi nhân dân chung sức...
Đại Từ là huyện có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển cây chè, sản xuất lương thực, rau màu, cây ăn quả… Đồng thời, vùng đất này còn có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai thác khoáng sản. Tất cả những lợi thế đó đang dần được tạo đà phát triển cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Duy Hùng – Chủ tịch UBND huyện cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua công tác tuyên truyền được xem là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu trong việc tổ chức, thực hiện chương trình xây dựng NTM từ Trung ương đến địa phương. Huyện Đại Từ đã xác định công tác tuyên truyền, vận động phải thực hiện trước một bước và phải được triển khai theo lộ trình, xác định từng nội dung, cách thức triển khai cụ thể trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên đã tạo được sự lan tỏa rộng rãi, huy động được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao từ phía quần chúng nhân dân, người dân ngày càng tích cực, chủ động tham gia xây dựng NTM và xây dựng NTM đang trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện.
Chúng tôi đã có dịp về xã Tân Linh đúng thời điểm bà con nơi đây đang hồ hởi tham gia phong trào làm đường giao thông nông thôn. Tuyến đường liên xóm từ xóm 4 đi xóm 1, 2,3 có chiều dài trên 3,7km, đây là tuyến quan trọng phục vụ việc đi lại cho 510 hộ dân sinh sống và làm chè với tổng diện tích là trên 130ha chè. Đây là tuyến đường khó khăn nhất xã do tuyến đường dài và điều kiện kinh tế của các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn. Ngay khi được tuyên truyền vận động, bà con đã nhiệt tình hưởng ứng, tự nguyện hiến đất, đóng góp sức người, sức của để làm đường giao thông. Con đường đất nhỏ hẹp, trời mưa lầy lội trước đây giờ đã được thay thế bằng con đường bê tông sạch sẽ, thuận lợi đi lại, giao thương, góp phần thay đổi diện mạo của vùng đất này.
![]() |
Làm đường bê tông liên xóm tại xã Tân Linh, huyện Đại Từ ( Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên) |
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ về thành công của địa phương này, “Chính nhờ sự đồng thuận của người dân đã tạo nên sức mạnh to lớn cho Đại Từ vượt qua được nhiều khó khăn, trở ngại. Phát huy sức mạnh lòng dân thực sự là bài học lớn đối với địa phương” - lãnh đạo huyện khẳng định. Được biết, chỉ trong giai đoạn từ năm 2011-2019, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đã hiến trên 203ha đất các loại để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. a Vượt qua trở ngại...
Chặng đường 10 năm xây dựng NTM, địa phương này đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Tiêu biểu như, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án lồng ghép với chương trình nông thôn mới gặp khó khăn, nguồn lực đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng hạn chế. Kết cấu hạ tầng của huyện tuy đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp song chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trình độ, năng lực của cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là ở cấp xã còn những yếu kém nhất định. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa hiểu đúng và đẩy đủ. Hơn nữa, Đại Từ là huyện chịu ảnh hưởng chung của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết cực đoan, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân gặp nhiều trở ngại.
Khó khăn là vậy, song ý thức được xây dựng NTM là “chuyện sống còn” đối với tương lai của Đại Từ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã đoàn kết nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Theo ông Hùng, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai thực hiện tốt nhiều nội dung phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực tập trung cho Chương trình xây dựng xây dựng NTM, nâng cao hiệu quả trong công tác đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; chỉ đạo triển khai thực hiện lồng ghép các Chương trình, dự án, đặc biệt là trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Kết quả, đến tháng 6/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 1.440.935 triệu đồng, trong đó, vốn huy động đóng góp của nhân dân 259.436 triệu đồng.
Về bộ tiêu chí quốc gia, các địa phương của Đại Từ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tiêu biểu như, về tiêu chí giao thông, huyện đã làm mới, cải tạo, nâng cấp trên 250km đường trục xã, liên xã, trên 500km đường trục xóm, liên xóm, đường ngõ xóm, nội đồng. Đến nay, có 22/28 xã đạt tiêu chí này.
Trong giai đoạn 2010-2019, Đại Từ đã có 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã đạt 16,5 và không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Hướng tới phát triển bền vững
Một trong những hiệu quả nổi bật từ phong trào xây dựng NTM của Đại Từ chính là thu nhập và đời sống của nhân dân đã được cải thiện rõ nét.
![]() |
Đường bê tông liên xóm tại xã Tân Linh, huyện Đại Từ ( Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên) |
Theo ông Hùng, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác, nghiên cứu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư cơ giới vào sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả lao động. Bên cạnh đó, thường xuyên đánh giá hiệu quả sản xuất của các hợp tác xã, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nghiên cứu, đổi mới cách thức sản xuất phù hợp như: nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ… để duy trì và mở rộng các HTX, ngành nghề nông thôn làm ăn có hiệu quả, tăng dần tỉ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Đến nay, có 22/28 xã đạt tiêu chí thu nhập.
Có được kết quả đó là nhờ huyện đã đẩy mạnh thay đổi cách tổ chức sản xuất cho bà con. Trong những năm qua, Đại Từ thường xuyên quan tâm chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn; số tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục tăng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đã được đổi mới về công tác quản lý, được đầu tư lớn hơn về quy mô, đa dạng hơn về sản phẩm; các tiến bộ khoa học, thiết bị máy móc đã được đưa vào sản xuất như làm đất bằng máy trong trồng trọt; chế biến gỗ, hệ thống làm mát, ăn uống tự động trong chăn nuôi, thiết bị đóng gói, hút chân không sản phẩm chè... Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương. Đến nay, toàn huyện có 53 hợp tác xã, trong đó có 45 hợp tác xã nông nghiệp. Tổng số làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận đến năm 2019 là 38 làng nghề, các làng nghề duy trì hoạt động hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đến nay, huyện có 23/28 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất.
Với những thành công trong chặng đường vừa qua, huyện Đại Từ đang chuẩn bị cho những mục tiêu mới sau năm 2020. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, sẽ phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trước năm 2025; thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn đến năm 2025 đạt 50 triệu/người/năm; 100% người dân người dân tham gia bảo hiểm y tế, 100% người dân được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm. Giai đoạn 2025-2030, huyện sẽ triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên toàn địa bàn. Phấn đấu đến năm 2030 có trên 10 xã đạt xã NTN kiểu mẫu.
Nhằm giúp đỡ các địa phương như Đại Từ tiếp tục xây dựng NTM, lãnh đạo huyện đề nghị Trung ương, tỉnh nghiên cứu, sửa đổi Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, cần chia thành nhóm tiêu chí bắt buộc, nhóm tiêu chí khuyến khích. Về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn cần phân rõ giai đoạn trước mắt và lâu dài, nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương, cơ sở trong triển khai thực hiện xây dựng NTM, đáp ứng đúng thực chất nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp đặc thù từng xã, tránh việc làm hình thức, máy móc theo tiêu chí, gây lãng phí nguồn lực.